Bát Xát – Miền du lịch có sức hút lạ kỳ
Bát Xát là miền đất có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch. Những tiềm năng đó đang được chính quyền, người dân “đánh thức” để đưa Bát Xát trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Lào Cai.Y Tý - Bát Xát bồng bềnh trong mây. (Ảnh: A Xuy)
Với những cánh rừng già đại ngàn, với sông mây bồng bềnh uốn lượn, với những nếp nhà trình tường độc đáo,… Bát Xát hiện lên đẹp như một bức tranh vừa hoang sơ kỳ vỹ, vừa huyền bí nên thơ.
Dãy núi hùng vỹ Hoàng Liên Sơn là nơi quy tụ của rất nhiều đỉnh núi cao từ 2.800 m đến trên 3.000 m. Trong số những đỉnh núi hấp dẫn, huyền bí nhất phải kể đến đỉnh Ky Quan San (hay còn gọi là Bạch Mộc Lương Tử) của Bát Xát với độ cao 3.046 m so với mặt nước biển. Đỉnh Ky Quan San là một trong 5 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Tua chinh phục đỉnh Ky Quan San là tua vô cùng hấp dẫn với du khách thích khám phá và ưa mạo hiểm.
Biển mây trên hành trình chinh phục đỉnh Lảo Thẩn (Ảnh: Calvin T Phạm)
Cuốn hút không kém Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh núi Lảo Thẩn cao 2.862m. Năm 2020, Bát Xát đã tổ chức thành công giải leo núi “chinh phục đỉnh Lảo Thẩn” và để lại nhiều ấn tượng đẹp cho các vận động viên và du khách. Khi chinh phục Bạch Mộc Lương Tử hay Lảo Thẩn, du khách được khám phá thiên nhiên kỳ thú, tận hưởng không gian khoáng đạt của núi rừng và tận mắt ngắm nhìn “thiên đường mây” miền non cao. Nơi đây đang trở thành điểm chinh phục mới của giới trẻ.
Đường đá cổ Pavi cũng là một điểm đến thú vị. Đường đá cổ được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 19. Đường cổ được làm hoàn toàn bằng thủ công với những tảng đá cuội và những tảng đá lớn nối 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai với tổng chiều dài khoảng 80 km. Tuyến đường xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, hiện nay cơ bản vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử. Do thời gian và thiên nhiên, hiện tại con đường chỉ còn khoảng 14 km gần như giữ được nguyên trạng, là đoạn nối giữa bản Sàng Ma Pho, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu và bản Nhiu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Khi trải nghiệm tuyến đường này, du khách được hít thở bầu không khí trong lành, tận mắt khám phá hệ động, thực vật phong phú trong những khu rừng đại ngàn với nhiều loài cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Băng tuyết xuất hiện tại Y Tý (Ảnh: Calvin T Phạm)
Bát Xát mùa nào cũng đẹp. Mùa thu là “mùa săn mây”, mùa của những thửa ruộng bậc thang chín vàng óng ả ngang lưng trời. Những điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng ruộng bậc thang vào mùa lúa vàng là A Lù, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo,… Vào mùa đông, mùa chiêm ngưỡng hiện tượng băng, tuyết trắng long lanh như pha lê trên những cành cây, ngọn cỏ. Mùa xuân, mùa của hoa đào hoa mận điểm tô khắp núi rừng, mùa của những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Hà Nhì, Mông, Dao, Giáy,… Để phát huy giá trị độc đáo trong kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số nơi đây, Bát Xát đã duy trì các hoạt động văn hóa truyền thống như Lễ hội xuống đồng, Lễ hội Pút tồng, Lễ hội Khô già già, Lễ cúng rừng của dân tộc Hà Nhì, dân tộc Dao... được tổ chức quy mô, bài bản, thu hút đông đảo du khách. Mùa hè, Y Tý – Bát Xát là nơi tránh nóng lý tưởng bởi khí hậu mát mẻ, trong lành nguyên sơ. Có một ngọn thác đang được nhiều du khách tìm đến, đó là thác Rồng ở xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát. Người dân ở đây còn gọi thác này là Bạch Long vì thác rất cao, có nước chảy xiết tựa như một con rồng trắng giữa lưng chừng núi đá.
Cánh rừng đại ngàn Bát Xát đẹp như một bức tranh (Ảnh: A.Xuy)
Những năm qua, công tác quảng bá được Bát Xát rất coi trọng. Hình ảnh du lịch Bát Xát ngày càng được nhiều du khách biết đến. Nổi bật là tổ chức Giải đua xe đạp “Đi giữa mùa hoa đỗ quyên - Y Tý”; sản xuất seri phim “Sức hút đại ngàn”,... Các sản phẩm du lịch Bát Xát đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách như: Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt; du lịch thể thao mạo hiểm (Chinh phục đỉnh Ky Quan San, Lảo Thẩn, Nhiu Cồ San - Sàng Ma Sáo); Lễ hội mùa Thu - Y Tý đại ngàn; di tích Quốc gia ruộng bậc thang... Bát Xát cũng đang rà soát và đề xuất các sản phẩm du lịch huyện Bát Xát giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030./.