EVFTA - Hiện thực và kỳ vọng
Theo Đại sứ EU tại Việt Nam, sau hơn bốn tháng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ 1-8-2020), nhiều mặt hàng có giá trị tăng cao của Việt Nam như tôm, thủy hải sản đã đạt mức tăng trưởng khá. EVFTA sẽ mở cửa cho DN Việt Nam tiến vào thị trường EU dễ dàng hơn, mang lại cơ hội phát triển tốt hơn cho Việt Nam. Điều quan trọng là EVFTA không chỉ cải thiện việc giao thương, mà còn đem tới những tác động khác trong mối quan hệ giữa Việt Nam với EU…
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN
Còn theo Bộ Công thương, trong ba tháng đầu tiên thực hiện EVFTA, Việt Nam đã xuất khẩu 11,08 tỷ USD sang các nước EU, tăng 5% so cùng kỳ; ngược lại, xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng tăng tới 11%, đạt 4,9 tỷ USD…Trong giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam không chỉ tập trung tăng trưởng về thương mại, mà còn phải thực hiện quy trình chuẩn để tạo môi trường kinh doanh thân thiện.
EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay, chứa đựng nhiều cơ hội và kỳ vọng mở ra một triển vọng mới cho quan hệ hợp tác hai bên Việt Nam và EU phát triển ngày càng sâu rộng, toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi và hiệu quả hơn; đồng thời, đóng góp vào thúc đẩy xu thế chung về liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững; khẳng định vị thế Việt Nam và chính sách của EU tiếp tục tăng cường gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. EVFTA và EVIPA mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam thâm nhập thị trường EU đầy tiềm năng với 508 triệu dân và quy mô khoảng 18 nghìn tỷ USD, hiện là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế từ Việt Nam và nâng lên 99% dòng thuế sau 7 năm; trong khi Việt Nam xóa bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU trong năm đầu tiên và nâng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm.
Cùng với những lợi ích gián tiếp khác, điều này giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này và giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, dự kiến sẽ giúp Việt Nam tăng 4-6% GDP và tăng xuất khẩu sang EU gần 43% vào năm 2025 (trong đó, xuất khẩu gạo tăng 65%, dệt tăng 67%, may mặc tăng 81% và da giày tăng tới 99%; còn đường tăng 8% và lâm sản, thịt gia súc, gia cầm và đồ uống, thuốc lá cũng tăng từ 3-4%...) và tăng gần 45% vào năm 2030; EVFTA khi được thực thi, nhất là việc dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ; cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU…sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…
EVFTA và EVIPA còn giúp Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường EU nói riêng và toàn bộ châu Âu nói chung, cùng với Hiệp định tự do đã ký với Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan….Đồng thời, góp phần thúc đẩy tiếp nhận hàng hóa chất lượng cao và thiết lập chuỗi sản xuất gắn với dòng vốn đầu tư công nghệ cao từ EU, cả trong công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế số.
Sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên trong thực thi các cam kết của EVFTA và EVIPA còn góp phần thúc đẩy Việt Nam tiếp tục cải cách hoàn thiện thể chế, nâng cao tiêu chuẩn lao động và đời sống của nhân dân, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu và tăng trưởng bền vững…
Mặt khác, EVFTA cũng tạo áp lực cạnh tranh gay gắt ở một số lĩnh vực, như logistics, hóa chất, phương tiện vận tải, sắt thép, dược phẩm, chăn nuôi và nông sản chế biến...trong khi tạo nhiều cơ hội và động lực mới cho Việt Nam.
Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Dệt may, một trong những ngành công nghiệp lớn nhất Việt Nam với hơn 2 triệu nhân công sẽ hưởng lợi lớn nhờ EVFTA, khi mức thuế quan mà 12% EU áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được giảm xuống còn 0%. Cụ thể, điều này sẽ có lợi đối với năm sản phẩm dẫn đầu xuất khẩu của Việt Nam (bộ vest nữ - 285 triệu USD, bộ vest nam - 233 triệu USD, áo khoác nam - 211 triệu USD, áo khoác nữ - 207 triệu USD và áo len - 166 triệu USD).
Việc cắt giảm thuế quan của EU sẽ giúp tăng xuất khẩu của năm sản phẩm xuất khẩu dẫn đầu nói trên, trung bình hơn 20%. Việt Nam là một trong 10 nhà xuất khẩu da giầy dép hàng đầu thế giới, với hơn 500 doanh nghiệp, 1 triệu nhân công và chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào giầy da chất lượng cao (48%, 2,3 tỷ USD năm 2008) và giầy thể thao cho các thương hiệu giầy của Mỹ và EU; gần đây một số nhà sản xuất Việt Nam đã bắt đầu tập trung vào nhu cầu nội địa.
Mức thuế quân bình quân gia quyền EU áp dụng đối với giầy dép nhập khẩu từ Việt Nam là 12,4%: Thuế nhập khẩu giầy da gồm cả thuế chống bán phá giá là 17%. Việc ký kết FTA trở nên đặt biệt quan trọng đối với xuất khẩu giầy dép Việt Nam: trong mô phỏng SMART (Ngân hàng Thế giới – World Bank), xuất khẩu các loại giầy dép khác nhau sẽ tăng từ 7 đến 21%; cần cộng thêm 14-16% do hết hạn áp dụng thuế chống bán phá giá.
Với hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025. Các doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới. Có tới 55,7% DN dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kỹ năng lao động.
Gần một nửa nhãn hàng thời trang cho biết sẽ tăng mua từ Việt Nam sau Covid-19, một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và một phần do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia. Số còn lại cân nhắc về việc thiếu nguyên phụ liệu khiến các nhãn hàng từ châu Âu và khối CPTPP không được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định EVFTA và CPTPP.
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới DN dệt may và giày dép, khi có tới 94,2% DN da giày, 87,1% DN dệt may bị giảm đơn hàng, 84,5% DN da giày, 53,5% DN dệt may bị khách hoãn hủy đơn và 74,8 DN da giày, 22,9% DN dệt may không xuất khẩu được, hàng loạt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu từ nước ngoài bị gián đoạn, đứt gãy.
Theo dự báo của VITAS, nhu cầu các sản phẩm dệt may của châu Âu và Mỹ trong năm 2020 giảm lần lượt là 45% và 40%; giảm 27% và 21% với giầy dép… Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã thay đổi chiến lược về phát triển sản phẩm và tìm khách hàng mới, đa dạng hóa khách hàng, thị trường và sản phẩm, giảm gia công, tăng công nghệ xanh và tiếp tục tự động hóa…
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết để mua, bán nguyên vật liệu trong nước, thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn; liên kết để chia sẻ đơn hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ đặc biệt giữa các công ty lớn và các công ty vừa và nhỏ; liên kết để học hỏi kinh nghiệm của nhau như công nghệ, máy móc, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường…Nhu cầu về một cổng thông tin toàn diện về ngành dệt may và giày dép - túi xách ở Việt Nam, cho phép các DN có thể tìm kiếm các đối tác hợp tác hiệu quả…đang ngày càng bức thiết.
Thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước khi đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, đầu năm 2023. Hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao, nhờ vậy mà vẫn giữ giá và mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Vào tháng 6-2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Mỹ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay.
https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/evfta-hien-thuc-va-ky-vong-628713/