Thế giới quay cuồng vì đại dịch, cuộc sống ở Việt Nam vẫn bình thường
Trong khi Mỹ thông báo số ca nhiễm mới cũng như tử vong ở mức cao kỷ lục mỗi ngày và các nước Liên minh châu Âu (EU) phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, người dân Việt Nam vui mừng trở lại cuộc sống bình thường.Theo TTXVN, tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức vừa có bài viết nhận định cuộc sống ở Việt Nam đã hầu như trở lại bình thường trong khi kinh tế đạt tăng trưởng dương chủ yếu do nhu cầu trong nước và mức đầu tư cao của chính phủ.
Theo bài báo, trong khi Mỹ thông báo số ca nhiễm mới cũng như tử vong ở mức cao kỷ lục mỗi ngày và các nước Liên minh châu Âu (EU) phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, người dân Việt Nam vui mừng trở lại cuộc sống bình thường.
Thành phố Hồ Chí Minh đã mời chào khách du lịch của cả nước, trong khi Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh hồi tuần trước cũng đã trình diễn vở vũ kịch "Kẹp hạt dẻ" của Tchaikovsky để mở màn cho chương trình mùa Đông. Khách vào rạp được đo thân nhiệt và được yêu cầu khử trùng tay và đeo khẩu trang.
Bài báo dẫn lời một giáo viên từ Việt Nam cho biết cuộc sống từ lâu đã trở lại bình thường, không còn những hạn chế, tuy ở Hà Nội vẫn cần đeo khẩu khẩu trang khi vào các trung tâm mua sắm, bến xe, phương tiện giao thông công cộng và ở những nơi có nhiều người trong không gian hẹp.
Báo báo nhận định về mặt kinh tế, Việt Nam cũng ứng phó tốt hơn với khủng hoảng so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Bài báo dẫn thông tin của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI) cho biết nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 2,1% tính theo giá trị thực trong ba quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng chủ yếu đạt được nhờ nhu cầu trong nước và mức đầu tư cao của chính phủ.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp giày và dệt may của Việt Nam, vốn gặp khó khăn do các lệnh phong tỏa ở EU và Mỹ, đã lấy lại được vị thế, với số liệu xuất khẩu mạnh trong năm 2020 và dự kiến sẽ có thêm nhiều đơn đặt hàng trong năm 2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam muốn đẩy mạnh trở lại mô hình kinh tế hợp tác, khuyến nghị các công ty vừa và nhỏ cung cấp các thiết bị và linh kiện cho các công ty nước ngoài như một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong tương lai, các công ty nên đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm và thiết lập quan hệ kinh doanh với các công ty và các ngành khác nhau nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
* Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 20/12 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 76.618.478 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.691.765 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện nay là 53.745.819 người.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 18.077.768 ca nhiễm và 323.401 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ 10.031.659 ca nhiễm và 145.513 ca tử vong và Brazil 7.213.155 với ca nhiễm và 186.356 ca tử vong.
Tại châu Âu, Áo đã áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn kể từ ngày 19/12. Mọi công dân đến từ những quốc gia có nguy cơ phải trải qua hoạt động kiểm dịch trong 10 ngày. Cảnh sát và quân đội Áo sẽ tiến hành kiểm tra y tế ngẫu nhiên tại các cửa khẩu biên giới với Cộng hòa Séc, Slovakia và các nước láng giềng khác.
Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan đã cấm mọi chuyến bay chở khách từ Anh từ nay đến ngày 1/1/2021, sau khi phát hiện một ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Hà Lan, biến thể mới này hiện đang lây lan tại Anh.
Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 20/12 đã ghi nhận 1.097 ca nhiễm mới, mức cao nhất theo ngày tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 1.097 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 15 ca lên 674 ca.
Tại Israel, Bộ Y tế đã quyết định đưa tất cả các nước vào danh sách "đỏ" – có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời yêu cầu công dân nước này sau khi nhập cảnh phải cách ly theo dõi.
Theo đó, kể từ ngày 26/12, công dân Israel khi về nước phải cách ly bắt buộc trong 14 ngày hoặc 10 ngày nếu có 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, thông báo này không đề cập tới việc áp đặt quy định đối với người nước ngoài tới Israel.
Cũng trong ngày 19/12, Israel triển khai chương trình tiêm phòng COVID-19 trên toàn quốc và Thủ tướng Benjamin Netanyahu là người được tiêm mũi đầu tiên.
Tại Mỹ, ngày 19/12, nhà chức trách đã thông báo việc phân phối vaccine Moderna ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu vào cuối tuần này. Trước đó, FDA đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine của Moderna.
Tại Canada, số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 19/12 đã vượt mốc 500.000 ca, trong bối cảnh quốc gia Bắc Mỹ này đang triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đất nước.
Ontario và Quebec là hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Giới chức y tế đang kêu gọi chính quyền các tỉnh cần ngay lập tức hành động, siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh.
Tại châu Phi, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni thông báo Phó Thủ tướng thứ 2 của nước này, ông Ali Kirunda đã qua đời do COVID-19, tại một bệnh viện ở thủ đô Kampala./.
http://baochinhphu.vn/Quocte/The-gioi-quay-cuong-vi-dai-dich-cuoc-song-o-Viet-Nam-van-binh-thuong/417459.vgp