Paris chống biến đổi khí hậu: Từ lời hứa đến hành động

Nhân kỷ niệm 5 năm đạt được Thỏa thuận khí hậu tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu 2015 (COP21), Paris - thành phố mà tên gọi của nó được đặt cho hiệp ước quốc tế này- đã thúc đẩy việc triển khai nhiều sáng kiến mới.
Ảnh minh họa
Trong một hội nghị kỷ niệm 5 năm ký Thỏa thuận Paris, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã thúc giục lãnh đạo các quốc gia tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu, nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một mối đe dọa có thật.

"Tôi khẩn thiết đề nghị lãnh đạo các nước tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu cho tới khi chúng ta đạt được mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon", người đứng đầu LHQ nêu thông điệp.

Kể từ thời điểm đạt được Thỏa thuận Paris cách đây 5 năm, nhân loại đã chứng kiến những tác động ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, từ cháy rừng ở Australia và California (Mỹ) đến việc sụp đổ các thềm băng ở hai cực.

Theo Reuters, điều này đã buộc lãnh đạo nhiều nước phải lắng nghe các ý kiến từ giới khoa học và điều chỉnh chính sách phát triển. Tuy nhiên, khi mọi thứ chỉ mới khởi đầu, đại dịch COVID-19 đã bùng phát và khiến các quốc gia quên mất mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Để nhanh chóng hồi sinh nền kinh tế, các quốc gia đã đưa ra nhiều gói kích thích. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký LHQ, vấn đề nằm ở chỗ các nước đang chi quá nhiều cho những lĩnh vực sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng sạch và có thể tái tạo.

Một số quốc gia đã đưa ra các cam kết giảm phát thải CO2 trong hội nghị ngày 12/12. Chính phủ Anh cam kết sẽ ngừng hỗ trợ các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục cam kết đưa mức phát thải CO2 về 0 trước năm 2050 nhưng thiếu các cam kết cụ thể như không sử dụng nhiệt điện.

Trung Quốc đã gây nhiều bất ngờ với tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 vừa qua. Nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc khi đó cam kết sẽ giảm mức phát thải khí CO2 về 0 vào năm 2060.

Hành động của Paris

Để đẩy nhanh cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu, thủ đô Paris của nước Pháp đã quyết định thiết lập một cơ chế "đền bù phát thải khí carbon". Cụ thể, thành phố đang hướng tới xây dựng một cơ chế cho phép các cá nhân và doanh nghiệp đền bù lượng phát thải khí carbon của họ bằng cách tài trợ cho các dự án xanh.

Theo ông Dan Lert, Phó Thị trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái, cơ chế được đề xuất có thể dưới hình thức hợp tác xã. Khoản đầu tư ban đầu được xác định từ 3-4 triệu euro với mục tiêu chuẩn bị cho việc thành lập hợp tác xã này trong năm 2021 và khởi động hiệu quả vào năm 2022.

Thành phố đặc biệt mong muốn hoàn thành cơ chế này trước khi diễn ra Đại hội thể thao mùa Hè (Olympic) và Đại hội thể thao mùa Hè dành cho người khuyết tật (Paralympic) năm 2024, một sự kiện mà nhờ vào đó, nhiều doanh nghiệp có thể quan tâm đến một hệ thống bảo vệ môi trường như vậy. Để giành được quyền đăng cai Thế vận hội, Paris đã hứa sẽ thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, một phần thông qua hệ thống đền bù nói trên.

Một ví dụ, một công ty tổ chức sự kiện liên quan đến Thế vận hội chở khách VIP bằng máy bay, dùng xe tải để vận chuyển thiết bị... Công ty này có thể gia nhập “hợp tác xã carbon” trong tương lai và trả một khoản tiền về mặt lý thuyết cho phép bù đắp lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà hoạt động của họ tạo ra.

Ông Dan Lert lưu ý: “Điều này liên quan đến việc xác định giá carbon". Hợp tác xã sẽ có thể sử dụng số tiền thu được để tài trợ cho các dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như lắp đặt các tấm pin mặt trời.

Cùng với dự án mới này, giới chức Paris đang triển khai 2 dự án khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sinh thái của thành phố. Trước hết, một hội đồng khoa học đặc biệt của Paris sẽ ra mắt trong những tháng tới. Hội đồng tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để làm sáng tỏ các lựa chọn của thành phố về khí hậu.

Tiếp đó, chính quyền Paris lên kế hoạch thành lập một bộ máy điều hành năng lượng công cộng. Mô hình sẽ tương tự như công ty Eau de Paris, được chính quyền thành lập vào năm 2009, để giành lại quyền kiểm soát việc phân phối nước tại thủ đô.

Công ty năng lượng này trong tương lai sẽ chịu trách nhiệm phát triển sản xuất điện mặt trời và thúc đẩy mua năng lượng xanh. Mục tiêu là năng lượng tái tạo chiếm 45% năng lượng tiêu thụ của Paris vào năm 2030, trong đó 10% được sản xuất ngay tại Paris.

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Paris-chong-bien-doi-khi-hau-Tu-loi-hua-den-hanh-dong/416984.vgp

Theo Báo Chính phủ

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.