Nhà khoa học Việt đầu tiên nhận giải thưởng Noam Chomsky
PGS. Trần Xuân Bách, giảng viên Đại học Y Hà Nội là một trong 2 người được trao Giải thưởng Kết nối Toàn cầu Noam Chomsky về thành tựu trong nghiên cứu năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên một nhà khoa học của Việt Nam nhận được giải thưởng này.PGS. Trần Xuân Bách |
Giải thưởng Noam Chomsky năm 2020 trao một Huân chương Sao Bắc Đẩu cho Thành tựu trọn đời, 2 giải thưởng Ngôi sao toả sáng về thành tựu trong nghiên cứu và 2 chứng nhận học giả Ngôi sao mới nổi.
Giải thưởng Ngôi sao toả sáng về thành tựu trong nghiên cứu công nhận những người có đóng góp xuyên quốc gia, có sức ảnh hưởng ở bất kỳ lĩnh vực nào. Đóng góp này có thể là bài báo được công bố trên tạp chí quốc tế, sách, chương sách hoặc các dạng thức cộng tác học thuật khác. PGS. Trần Xuân Bách vinh dự là một trong 2 học giả được trao Giải thưởng Noam Chomsky Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu 2020.
PGS. Trần Xuân Bách (sinh năm 1984) hiện là Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế tại Đại học Y Hà Nội. Năm 2019, anh được bổ nhiệm Giáo sư (kiêm nhiệm) tại Đại học John Hopkins danh tiếng.
Cho tới nay, anh đã có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, như The Lancet, Bulletin of the World Health Organization, JMIR, AIDS and Behaviors..., đồng thời tham gia phát triển nhiều mạng lưới nghiên cứu các vấn đề sức khỏe toàn cầu và chính sách kiểm soát bệnh tật.
Không chỉ có những thành tích cá nhân nổi bật, PGS. Trần Xuân Bách còn là một thành viên tích cực của các mạng lưới kết nối tri thức trong nước và thế giới.
Năm 2018, anh được bầu làm thành viên của Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy), một mạng lưới kết nối các nhà khoa học trẻ nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, khuyến khích, hỗ trợ người trẻ làm khoa học, đặc biệt là người trẻ đến từ các quốc gia đang phát triển.
Cũng trong năm 2018, anh đảm nhận vai trò Tổng thư ký của Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đây là mạng lưới kết nối, tạo cơ hội cho các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay đóng góp các sáng kiến phục vụ đất nước. Thông qua mạng lưới, hàng chục nhóm nghiên cứu đã được thành lập, hàng trăm đề xuất, sáng kiến đã được mạng lưới làm cầu nối đưa tới các nhà lãnh đạo quốc gia.
Giải thưởng Kết nối Toàn cầu Noam Chomsky được đặt tên theo học giả vĩ đại Noam Chomsky. GS. Noam Chomsky (sinh năm 1928) được coi là cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại và là một trong những tác giả được trích dẫn nhiều nhất còn sống. Ông là tác giả của hơn 100 cuốn sách về ngôn ngữ học, chính trị, chiến tranh, truyền thông đại chúng...
Ngoài ra, GS. Noam Chomsky còn được biết tới là một trong những trí thức tiêu biểu dấn thân phụng sự xã hội. Năm 1970, ông Noam Chomsky đã có chuyến đi thăm Việt Nam lần đầu tiên. Tại Hà Nội, ông đã cùng tham gia trò chuyện và thảo luận về các vấn đề khoa học với các nhà khoa học Việt Nam và được mời đứng giảng một buổi tại Đại học Bách khoa về các nghiên cứu ông đang thực hiện trong lĩnh vực ngôn ngữ học.
Trước những đóng góp học thuật và xã hội to lớn của Noam Chomsky, tháng 10/2020, TS. Mousumi Mukherjee (Trưởng đại diện Mạng lưới STAR tại Ấn Độ) đã ngỏ lời xin phép sử dụng tên ông để thành lập giải thưởng.
Giải thưởng này hướng tới việc tôn vinh sức mạnh của việc kết nối giữa con người, vinh danh những cá nhân có ảnh hưởng sâu sắc tới việc thúc đẩy dịch chuyển xã hội và dịch chuyển toàn cầu.