Tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020
Sáng 11-12, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020 và đề xuất báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.Tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương cả nước; đại diện một số tổ chức quốc tế.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước từ 1-1,5%/năm. Trong 4 năm, đã có 1,35 triệu hộ/2,3 triệu hộ nghèo (số liệu năm 2015) thoát nghèo (chiếm 58%). Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015. Dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần. Các chương trình giảm nghèo đã góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế, ổn định xã hội; nâng cao vị thế của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Nội dung chủ yếu của chương trình như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng còn những tồn tại, cần khắc phục trong giai đoạn tới như: kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, còn khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm,...
Những bài học, kinh nghiệm cùng các bất cập, khó khăn, vướng mắc được thảo luận tại hội nghị này nhằm phát huy những thành quả đã đạt được, nhận diện rõ các hạn chế và nguyên nhân để khắc phục; biểu dương những tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo và định hướng công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, hướng đến năm 2030. Từ đó góp phần quan trọng để công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phong trào “thoát nghèo, làm giàu” đạt được kết quả cao hơn, vững chắc hơn trong những năm tới đây.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chỉ riêng năm 2020, tỉnh Lào Cai được giao nguồn kinh phí trên 411 tỷ đồng để thực hiện Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn người chương trình 135; truyền thông về giảm nghèo và thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình… Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo ở địa phương đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân; đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng nông thôn vùng cao, vùng biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn ngày càng phát triển; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đựơc nâng cao, môi trường được cải thiện, an ninh trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn vùng đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp. Giao thông nông thôn được đẩy mạnh, tạo thành phong trào lan tỏa đến mọi xóm làng, người dân; đến nay 100% số xã có đường đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa; năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được đánh giá có bước chuyển biến ngoạn mục. Bình quân mỗi năm tỷ lệ giảm nghèo đạt 5,17%, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%, đạt 100% mục tiêu kế hoạch. Hiện, tỉnh Lào Cai còn 14.600 hộ nghèo, chiểm tỷ lệ 8,46% tổng số hộ của toàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các chương trình hỗ trợ đồng bộ và các giải pháp triển khai hiệu quả đã giúp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của Việt Nam giành được những kết quả nổi bật, được quốc tế đánh giá là quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thủ tướng cũng yêu cầu: Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam không có đói nghèo, thời gian tới, cần ưu tiên nguồn lực Nhà nước, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo; quan tâm đầu tư hạ tầng ở các vùng kinh tế khó khăn, đầu tư giáo dục dạy nghề, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận được các nguồn lực. Tất cả địa phương cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong thực hiện các chương trình giảm nghèo, coi giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của xã hội, của chính quyền.