Tiến triển trong xây dựng chính phủ điện tử
Cùng với sự phát triển của công nghệ, chính phủ điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới. Cuộc khảo sát về tiến trình xây dựng nền tảng dịch vụ công trực tuyến tại các nước thành viên Liên hợp quốc mới đây cho thấy nhiều kết quả tích cực.Không có in-tơ-nét, một học sinh ở châu Phi học qua ra-đi-ô. Ảnh UN
Được Cơ quan Các vấn đề kinh tế xã hội (DESA) của Liên hợp quốc (LHQ) thực hiện hai năm một lần kể từ năm 2001, cuộc khảo sát về chính phủ điện tử (gọi tắt là khảo sát) tiến hành đánh giá và xếp hạng toàn bộ 193 nước thành viên. Cuộc khảo sát dựa trên các yếu tố: chất lượng và số lượng các dịch vụ công trực tuyến, cơ sở hạ tầng viễn thông và khả năng tiếp cận của người dân. Từ những kết quả khảo sát, DESA xếp hạng các quốc gia thành viên LHQ theo thang Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử (EGDI).
Cuộc khảo sát năm 2020 là lần thứ 11 DESA công bố bảng xếp hạng các nước thành viên. Khảo sát tổng kết, có 65% số các nước nằm trong nhóm đạt EGDI cao và rất cao; dẫn đầu là các quốc gia như Ðan Mạch, Hàn Quốc, E-xtô-ni-a, cùng nhiều nước thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển. Trong nhóm các quốc gia đang phát triển, Bu-tan, Băng-la-đét và Cam-pu-chia là những nước dẫn đầu trong tiến trình phát triển chính phủ điện tử, thăng hạng từ nhóm đạt EGDI mức trung bình lên cao. Khảo sát của DESA năm 2020 cũng cho thấy mọi châu lục đều đạt được tiến bộ trong phát triển chính phủ điện tử và hơn 20% số các nước thành viên đã thăng hạng trên thang EGDI. Ðặc biệt, gần 80% số các quốc gia tham gia cuộc khảo sát đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho trẻ vị thành niên, phụ nữ, người già, người khuyết tật, người di cư và cả người nghèo, phù hợp chủ trương "không để ai lại phía sau" trong Tầm nhìn tới năm 2030 của LHQ.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách về kinh tế xã hội nhấn mạnh, vai trò của chính phủ điện tử đã mở rộng từ chỗ chỉ cung cấp những dịch vụ công truyền thống nay đã trở thành nền tảng cho những giải pháp chưa từng có nhằm xử lý thách thức, ngăn chặn khủng hoảng. Nhiều chính phủ đã thiết lập những công cụ mới, như cổng thông tin điện tử, dịch vụ đặt lịch khám hoặc tư vấn "bác sĩ ảo" - sử dụng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán bệnh trực tuyến, cấp giấy thông hành điện tử hay những phần mềm truy dấu bệnh nhân… Chính phủ điện tử, trong đại dịch đã thể hiện chức năng xóa bỏ khoảng cách giữa các cấp chính quyền và người dân, mà vẫn bảo đảm an toàn cách ly xã hội.
Tuy nhiên, khảo sát của DESA cũng chỉ ra, khoảng cách tiếp cận các dịch vụ chính phủ điện tử không chỉ tồn tại giữa các quốc gia, châu lục mà còn trong nội bộ nhiều nước. Trong tám nước có điểm EGDI thấp, bảy nước là ở châu Phi; điểm trung bình của khu vực châu Phi cũng ở mức thấp (0,39), so điểm trung bình của thế giới (0,60). Ngay cả ở những quốc gia phát triển như Anh, bốn trong số mười trẻ em vẫn chưa thể tiếp cận giáo viên đều đặn trong thời gian đại dịch. Hay ở Mỹ, nhiều học sinh trường công lập thường bị lỡ những buổi học trực tuyến. Mặc dù DESA cho rằng khoảng cách thu nhập ảnh hưởng trực tiếp tới điểm EGDI quốc gia, nhưng khảo sát cũng nêu rõ, quyết tâm và định hướng chính sách đúng có thể giúp mỗi chính phủ giảm khoảng cách tiếp cận nội bộ quốc gia và nâng cao thứ hạng.
Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét nhận định, thế giới sau đại dịch Covid-19 sẽ không còn như trước và sẽ là một "thế giới số hóa" rõ rệt hơn. Ðại dịch Covid-19 đã buộc các chính phủ thay đổi nhanh hơn trước và quyết liệt bổ sung nhiều dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân. Như trong kết luận khảo sát của DESA, phát triển chính phủ điện tử là một tiến trình để giúp cho cuộc sống của mỗi người tốt đẹp hơn.
https://nhandan.org.vn/tin-tuc-the-gioi/tien-trien-trong-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-627737/