Một số chính sách về thuế nổi bật có hiệu lực từ ngày 05/12
Ngày 05/12, 02 Nghị định mới quy định về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn chính thức có hiệu lực. Đó là Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 do Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.Ngày 19/10/2020, Chính Phủ ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn. Theo đó, nội dung chính của Nghị định 125/2020/NĐ-CP bao gồm những quy định sau:
- Quy định chung vi phạm hành chính thuế và hóa đơn;
- Quy định hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử lý, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả;
- Quy định hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn, hình thức xử lý, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả;
- Quy định thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và một số thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.
Trong Nghị định mới ban hành, Chính Phủ cũng khẳng định sẽ không áp dụng đối với các vi phạm hành chính về phí, lệ phí; vi phạm hành chính về thuế đối với hàng hóa XNK do cơ quan hải quan quản lý thu và vi phạm quy định về thủ tục đăng ký thuế, vi phạm quy định về thông báo tạm ngừng kinh doanh, thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã của tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã và đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, người nộp thuế nếu áp dụng hóa đơn điện tử theo như quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này trước ngày 01/7/2022, trường hợp xảy ra các vi phạm về hóa đơn điện tử thì sẽ bị áp dụng xử phạt theo đúng quy định xử phạt tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế với nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thiểu chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về thuế. Nghị định 126 quy định 5 trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế gồm: Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế; Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản; Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng; Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020; Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.
Một trong những nội dung nổi bật của Nghị định 126 là ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế thì ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, cụ thể:
– Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
– Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo điểm a khoản này được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử.
– Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
– Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.