Dự án WEL: Giúp phụ nữ làm chủ kinh tế

Dự án “Nâng cao vai trò làm chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua can thiệp thị trường ở tỉnh Lào Cai” (dự án WEL) được Tổ chức Oxfam Anh tài trợ, với tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỷ đồng. Sau 2 năm triển khai, đến nay, dự án đã thu được những kết quả tích cực.

Các tổ nhóm thành lập "ngân hàng lợn" để chủ động nguồn lợn con.


Dự án WEL được triển khai từ tháng 9/2011, tại 2 huyện Bát Xát và Mường Khương của tỉnh Lào Cai. Mục tiêu là giải quyết các vấn đề về phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua giải pháp thị trường có lồng ghép yếu tố giới; nâng cao năng lực, quản lý kinh tế hộ gia đình cho phụ nữ thuộc các nhóm hộ chăn nuôi lợn bản địa; tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi - thú y cho các tổ nhóm phụ nữ trong vùng dự án. Dự án áp dụng các can thiệp thị trường thông qua một chuỗi giá trị lợn đen như điểm khởi đầu để giải quyết vấn đề về quyền làm chủ kinh tế của phụ nữ ở tỉnh Lào Cai, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham dự vào một thị trường công bằng, không bị thiệt thòi khi mua bán hàng hóa trên thị trường, đặc biệt với sản phẩm do hộ gia đình làm ra. Từ đó, dự án sẽ vận động cho việc lồng ghép các mục tiêu về nâng cao vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ trong các chiến lược phát triển của tỉnh Lào Cai.

Cải thiện thu nhập của phụ nữ

Dự án đã giúp cải thiện thu nhập của phụ nữ thông qua việc tham gia vào chuỗi giá trị lợn đen. Tính đến hết tháng 5/2013, Dự án WEL đã thành lập được 14 tổ nhóm chăn nuôi lợn đen, với 366 phụ nữ tham gia và đã có 219 người được nhận lợn giống đợt đầu (số người được nhận lợn giống vượt kế hoạch ban đầu 102 người). Đa số phụ nữ tham gia tổ nhóm lợn đen thuộc các dân tộc Mông, Dao, Dáy – những nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ nghèo cao.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp lợn giống, mà các tổ nhóm còn thành lập “ngân hàng lợn”. Cho đến nay, lợi ích kinh tế từ chăn nuôi lợn nái khá rõ rệt. Nếu như trước đây, nhiều chị em dân tộc thiểu số không nuôi lợn nái, chỉ đi mua lợn con về nuôi thành lợn thịt. Khi tham gia dự án, chị em đã biết nuôi lợn nái, chủ động nguồn lợn con, tiết kiệm được chi phí. Tại xã Lùng Khấu Nhin – Mường Khương, tổng cả hai đợt cấp giống (tháng 3 và tháng 7/2012) dự án hỗ trợ 121 nái và 29 lợn đực. Đến hết tháng 4/2013 đã cho 342 lợn con. Lãnh đạo xã Lùng Khấu Nhin khẳng định, đến hết năm 2013 “ngân hàng lợn” sẽ đảm bảo cung cấp lợn giống cho tất cả chị em tham gia nhóm nuôi lợn mà chưa được hỗ trợ lợn giống đợt đầu.

Việc cải thiện thu nhập của phụ nữ được thể hiện rõ rệt. Trước đây, khi chưa tham gia tổ nhóm, quy mô nuôi lợn chỉ dừng lại việc nuôi từ 2 đến 3 con lợn thịt; thời gian nuôi kéo dài 1 năm; cân nặng của lợn khi xuất chuồng chỉ từ 50kg đến 60kg/con; lợn có thể chết cả đàn khi mắc dịch bệnh; thu nhập bấp bênh, khoảng 2,5 triệu đồng khi được giá. Sau khi tham gia vào tổ nhóm, tình hình đã được cải thiện, quy mô nuôi lợn tăng khoảng 3 con lợn thịt và 01 con lợn nái; thời gian nuôi khoảng 8 đến 9 tháng; trọng lượng xuất chuồng trung bình đạt khoảng 80 đến 90kg/con; việc tiêm phòng dịch được chú trọng nên đã giảm hẳn tỷ lệ lợn chết; thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng.

Chị em phụ nữ dân tộc thiểu số khi tham gia tổ nhóm còn có cơ hội học hỏi các kỹ năng quản lý kinh tế hộ và phát triển kinh doanh, được tham gia các buổi tập huấn về hạch toán kinh tế gia đình, khởi sự kinh doanh … Những hoạt động này đã mở mang kiến thức, giúp chị em biết lựa chọn thời điểm bán lợn phù hợp, cải thiện kỹ thuật chăn nuôi, giảm rủi ro trong sản xuất, góp phần tăng thêm thu nhập trong gia đình.

Cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng:

Qua khảo sát cho thấy, phụ nữ dân tộc thiểu số khi tham gia dự án đã có vị thế bình đẳng hơn với nam giới trong gia đình và cộng đồng thông qua sự tăng lên về thu nhập, kiểm soát nguồn lực và tham gia tích cực vào thị trường.

Khi tham gia vào tổ nhóm lợn đen, phụ nữ dân tộc thiểu số được nâng cao năng lực trên nhiều khía cạnh, như kỹ năng chăn nuôi, hạch toán kinh doanh, bình đẳng giới… Nếu trước đây nhiều chị em dân tộc thiểu số ít đi xa khỏi địa bàn, ít tham dự các hoạt động sinh hoạt chung thì đến nay, khi đã tham gia vào tổ nhóm, họ đã mạnh rạn, tích cực trong các hoạt động xã hội của địa phương. Tại các thôn có chị em tham gia vào tổ nhóm lợn đen, tỷ lệ phụ nữ đi họp thôn tăng lên đáng kể, họ đã tự tin đóng góp ý kiến của mình trong các cuộc họp ở địa phương. Đặc biệt, trong gia đình, vị thế của chị em đã được nâng lên, họ đã tự đưa ra các quyết định hoặc tham gia vào các quyết định cuối cùng trong gia đình, như quyết định loại thức ăn trong chăn nuôi, quyết định mua đồ dùng trong gia đình, quyết định về tiết kiệm trong gia đình… Theo kết quả khảo sát, có 20% chị em đã tham gia vào các quyết định cuối cùng trong gia đình; 60% chị em tham gia vào các quyết định ngang bằng với chồng.

Tỉnh Lào Cai đã tích cực lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để cùng thực hiện dự án WEL với quy mô rộng hơn. Sử dụng nguồn từ dự án Danida để bổ sung cho hoạt động của dự án WEL, bằng cách hỗ trợ thêm 100 con lợn giống để phát triển chăn nuôi ngành hàng lợn đen bản. Việc thực hiện dự án WEL về phát triển ngân hàng lợn đen đã được lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu “không thả rông gia súc và lợn”, “đảm bảo vệ sinh môi trường khu dân cư” của tỉnh Lào Cai, thể hiện trong Đề án 14 của tỉnh về "Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, trọng tâm là vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu giai đoạn 2011 - 2015"...

Việc liên kết mạng lưới về WEL ở tầm quốc gia đã bắt đầu được triển khai. Hiện nay, Oxfam đang tham gia mạng lưới về Gender Economic Development working group (do Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam làm đơn vị điều phối). Nhằm tạo cơ hội, môi trường thuận lợi để phụ nữ làm kinh tế hiệu quả nhất; hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế giảm nghèo. Thông qua các buổi họp chia sẻ thông tin, thảo luận theo chủ đề hàng quý, dự án có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai dự án WEL ở Lào Cai và vận động chính sách ở cấp Trung ương.

Những tín hiệu này là cơ hội tốt để tiếp tục lồng ghép cách tiếp cận WEL trong xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ ngân hàng lợn đen của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2013-2015 sắp tới, góp phần vào chiến lược phát triển bền vững của tỉnh Lào Cai./.
Hạnh Nguyên

Tin Liên Quan

Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế

Để cùng chung tay kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Cục Thuế tỉnh Lào Cai thông tin một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế (Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày...

Tập trung khắc phục các điểm sạt lở trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Mưa lớn kéo dài đã khiến tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn đi qua địa bàn tỉnh Lào Cai xuất hiện nhiều điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở với khối lượng lớn, các phương tiện lưu thông qua lại gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Tỉnh Bình Dương ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai 10 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Chiều 16/9, Đoàn công tác của tỉnh Bình Dương do đồng chí Nguyễn Văn Dành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Vận động cứu trợ tỉnh làm Trưởng đoàn đã tới trao quà hỗ trợ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai.

Hơn 5.600 tập thể, cá nhân ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến 15 giờ ngày 17/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của hơn 5.600 tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với số tiền số tiền hơn 242,6 tỷ đồng (trong đó Quỹ cứu trợ Trung ương là 180 tỷ đồng; các...

Lào Cai công khai danh sách chuyển tiền hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3

Ngày 17/9, Ban vận động Cứu trợ tỉnh Lào Cai - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai công bố danh sách phân bổ 46 tỷ đồng đến Ban Vận động cứu trợ 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.

"Ăn đường, ngủ sương" nối đường dây liên lạc

Những ngày qua, Lào Cai chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai. Mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao, nhiều cung đường, bản làng bị sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh các lực lượng cứu hộ oằn mình cứu và tìm kiếm người dân bị nạn còn có những "người lính thông tin" cũng lao mình vào mưa bão, bất chấp thiên tai...