Tuyên bố Putrajaya của các nhà lãnh đạo APEC về tầm nhìn APEC đến năm 2040
Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Putrajaya về tầm nhìn đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai, trong đó APEC tiếp tục là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực. Cổng TTĐT Chính phủ xin giới thiệu toàn văn Tuyên bố.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tầm nhìn của chúng tôi là một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Cam kết tiếp tục thực hiện sứ mệnh của APEC và giữ vững các nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc và dựa trên đồng thuận, chúng tôi sẽ đạt được Tầm nhìn này thông qua thúc đẩy ba động lực kinh tế sau:
Thương mại và đầu tư:
Để bảo đảm châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực kinh tế năng động và kết nối nhất thế giới, chúng tôi công nhận tầm quan trọng và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và ổn định.
Chúng tôi tái khẳng định ủng hộ các quy định đã được thống nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương hoạt động hiệu quả và các dòng chảy thương mại quốc tế ổn định và dễ dự đoán.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các Mục tiêu Bogor và liên kết kinh tế khu vực theo định hướng thị trường, trong đó có thực hiện chương trình nghị sự về xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), góp phần củng cố các cam kết khu vực theo tiêu chuẩn cao và toàn diện.
Chúng tôi sẽ đẩy mạnh kết nối, các chuỗi cung ứng bền vững và hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.
Đổi mới và số hóa:
Nhằm giúp tất cả người dân và doanh nghiệp tham gia và phát triển trong một nền kinh tế toàn cầu được kết nối chặt chẽ, chúng tôi sẽ thúc đẩy xây dựng môi trường thuận lợi, trong đó có việc bảo đảm định hướng thị trường và sự phát triển của kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Chúng tôi sẽ thúc đẩy cải cách cơ cấu và các chính sách kinh tế đúng đắn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao năng suất và tính năng động.
Chúng tôi sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng số, đẩy nhanh chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số, đồng thời hợp tác để tạo thuận lợi lưu chuyển dữ liệu và củng cố niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với giao dịch số.
Tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm:
Để bảo đảm châu Á - Thái Bình Dương có khả năng chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng, đại dịch và các trường hợp khẩn cấp khác, chúng tôi sẽ thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng, mang lại lợi ích cụ thể, nâng cao sức khỏe và cuộc sống ấm no cho tất cả người dân, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, phụ nữ và các nhóm có tiềm lực kinh tế chưa được khai thác.
Chúng tôi sẽ tăng cường phát triển nguồn nhân lực toàn diện và hợp tác kinh tế - kỹ thuật nhằm trang bị tốt hơn cho người dân các kỹ năng và tri thức cho tương lai.
Chúng tôi sẽ thúc đẩy các chính sách, hợp tác và tăng trưởng kinh tế nhằm hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu trong giải quyết tổng thể mọi thách thức về môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và thiên tai, vì một hành tinh bền vững.
Nhằm duy trì vị thế đặc biệt của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, là vườn ươm ý tưởng hiện đại và hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách thể chế APEC thông qua quản trị tốt và gắn kết với các bên liên quan.
Chúng tôi sẽ thúc đẩy Tầm nhìn APEC đến năm 2040 trên tinh thần đối tác bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ các quan tâm và lợi ích chung.
Chúng tôi sẽ đạt được Tầm nhìn vào năm 2040 với kế hoạch triển khai và việc tiến hành rà soát phù hợp.