Truyền thông quốc tế đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam
Nhiều tờ báo của ASEAN và thế giới đưa tin về Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.Các cơ quan báo chí lớn của ASEAN và nhiều nước đối tác đã đăng tải nhiều bài viết làm nổi bật vai trò của ASEAN, của Việt Nam trong vị trí là Chủ tịch luân phiên của khối, đánh giá cao những chủ đề và nội dung được các nhà lãnh đạo đưa ra bàn thảo.
Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) có bài viết nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng được các nhà lãnh đạo ASEAN, cũng như Nhật Bản thảo luận, thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản. Trong đó nhấn mạnh, hợp tác chống dịch bệnh và phục hồi hậu dịch bệnh là chủ đề đúng hướng của ASEAN trong thời điểm hiện nay. Nhật Bản với tư cách là đối tác lớn của ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ ASEAN trong vấn đề này, trong đó cam kết tài chính lên tới 500 triệu USD.
Hãng tin Al Jazeera ca ngợi Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 và có những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Theo nội dung bài viết, một trong những điểm nhấn được Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 là Kế hoạch khung phục hồi hậu COVID-19, được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua và được các đối tác của ASEAN ủng hộ.
Tờ It Time của Hàn Quốc cũng có bài viết ca ngợi vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến toàn bộ khu vực và thế giới. Bài báo cho rằng, bằng sự nỗ lực, linh hoạt và trách nhiệm, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò điều phối, đáp ứng sự kỳ vọng của các nước thành viên cũng như là các đối tác của ASEAN. Những sáng kiến của Việt Nam đưa ra trong năm Chủ tịch 2020 là phù hợp và nâng cao khả năng thích ứng của ASEAN trước đại dịch.
Bài viết với tiêu đề “Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các đối tác quyền lực”, trên tờ Bưu điện Jakarta của Indonesia nêu rõ, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, ASEAN nổi lên như một khu vực có vai trò cân bằng, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Đặc biệt, tại Hội nghị này, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết, minh chứng cho quyết tâm của ASEAN hướng đến thúc đẩy tự do hóa thương mại và tiếp tục duy trì quá trình toàn cầu hóa.
Tờ Antara của Indonesia cũng nhấn mạnh việc các nước thành viên của ASEAN ủng hộ 13 sáng kiến ưu tiên của Việt nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 để thúc đẩy hội nhập khu vực, xây dựng kết nối Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hiện thực hóa Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025. Bài báo cho rằng, các sáng kiến này đang phát huy được hiệu quả trong việc giúp ASEAN chia sẻ nguồn lực, cải thiện chuỗi cung ứng và thúc đẩy tăng trưởng ở một số lĩnh vực quan trọng bất chấp những khó khăn do dịch bệnh.
“Malaysia đánh giá Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, được tổ chức trực tuyến, là hội nghị rất thành công bất chấp thách thức của đại dịch COVID-19”, hãng thông tấn Bernama của Malaysia thông báo ngày 15/11.
Bernama dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein cho biết mặc dù gặp trở ngại do không thể họp trực tiếp, song Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam, diễn ra tốt đẹp với sự tham gia của toàn bộ 10 nhà lãnh đạo chính phủ và 10 ngoại trưởng ASEAN cũng như đại diện từ các nước đối tác của ASEAN.
Ngoại trưởng Hishammuddin cho biết thành tựu lớn nhất đối với Malaysia tại Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay là sự nhất trí của toàn bộ các nước thành viên ASEAN trong việc thông qua Khung phục hồi toàn diện ASEAN.
Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch ASEAN chủ trì - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bài viết đăng trên trang tin Khmer Times (Campuchia) ngày 16/11 nhận định: “Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho ASEAN”. “Trong năm 2020, với vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam thúc đẩy năng lực dẫn dắt, khẳng định vị trí trung tâm và vai trò của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế”.
Theo Khmer Times, “Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho ASEAN 2020, thể hiện mong muốn của nước chủ tịch đối với một ASEAN đoàn kết nhằm đứng vững trước tác động của tình hình quốc tế và khu vực”.
Hàng loạt hãng truyền thông lớn trên thế giới cũng đưa tin về lễ ký kết Hiệp định RCEP do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. RCEP là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin Hiệp định RCEP, với sự tham gia của Việt Nam, được ký kết bên lề Hội nghị Cấp cao thường niên của ASEAN, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo đang thúc đẩy việc đưa các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch quay trở lại quỹ đạo.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ngày 15/11 đã nhất trí xây dựng khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Hà Nội.
“Tôi tin tưởng rằng Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và đem lại thịnh vượng chung cho người dân, doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký kết Hiệp định RCEP.
Báo Straits Times (Singapore) đưa tin tại Hội nghị Cấp cao của các nhà lãnh đạo ASEAN được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã mô tả việc ký kết Hiệp định RCEP là “bước tiến lớn đối với thế giới, vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang suy yếu và tăng trưởng toàn cầu chậm lại”.
Tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký Hiệp định RCEP. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đưa tin về lễ ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, hãng tin Al Jazeera (Qatar) dẫn lời Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên Bộ Công Thương Lương Hoàng Thái cho biết, RCEP được ký kết “sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời đặt ra các quy tắc về truyền dữ liệu”.
Truyền thông Lào đưa tin đậm nét về Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan, theo đó đánh giá cao vai trò của Việt Nam - nước giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, cũng như những nỗ lực của ASEAN trong cuộc chiến phòng chống, kiểm soát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và khôi phục nền kinh tế khu vực.
Tờ Paxaxon (Nhân dân), Cơ quan ngôn luận của đảng Nhân dân Cách mạng Lào cho biết tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đặc biệt đánh giá cao việc thực hiện các ưu tiên của khối dưới sự lãnh đạo của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, bao gồm việc tăng cường sự đoàn kết trong khối, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định và sự hợp tác trong sự phát triển của ASEAN trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng ca ngợi vai trò của nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, khẳng định Việt Nam đã góp phần tăng cường sự thống nhất của khối và giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN.
Trang mạng Modern Diplomacy chuyên phân tích và bình luận các vấn đề quốc tế đăng bài viết đánh giá tổng quan sự thể hiện của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ý nghĩa của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 với khu vực trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.
Theo bài viết, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN khi tổ chức này đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến hòa bình và an ninh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cả nhu cầu vạch ra tương lai để phát triển khu vực như một cộng đồng ASEAN. Trong 11 tháng qua, ASEAN đã làm việc tích cực nhằm phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn với các đối tác đối thoại, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như phối hợp các cuộc họp giữa ASEAN và Nhật Bản, hầu hết đều ở hình thức trực tuyến.
Bài viết cho rằng Việt Nam đã thực hiện hiệu quả việc đánh giá toàn diện các cơ chế của khối, đồng thời xem xét các tài liệu liên quan đến kế hoạch chi tiết của Cộng đồng ASEAN. Khía cạnh quan trọng nhất được Việt Nam nhấn mạnh là phát triển nỗ lực tập thể chống lại đại dịch COVID-19 và thành lập các nhóm phối hợp để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
http://baochinhphu.vn/Chinh-tri-An-ninh/Truyen-thong-quoc-te-danh-gia-cao-vai-tro-Chu-tich-ASEAN-cua-Viet-Nam/414265.vgp