Hội thảo khoa học quốc tế “75 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Hồi tưởng lịch sử”
Trong hai ngày 21 và 22-10, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN (thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga) và Viện Nghiên cứu châu Âu (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế mang tên “75 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Hồi tưởng lịch sử”.Giáo Sư A. Maslov, Viện trưởng Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga (bên trái) phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo.
Hội thảo diễn ra với sự tham gia trực tuyến của các nhà quản lý, các học giả, các chuyên gia nghiên cứu, giới chuyên môn từ các viện, các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học Liên bang Nga và Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhân Kỷ niệm 75 năm thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, mang lại độc lập và khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với một phiên họp toàn thể và các phiên hội thảo theo từng chủ đề, là dịp để các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn nhìn lại chặng đường 75 năm công cuộc xây dựng và bảo vệ Nhà nước Việt Nam, những thách thức và tiến trình hội nhập quốc tế.
Trong phát biểu tại phiên khai mạc, từ các đầu cầu, Viện trưởng Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga), Giáo sư A. Maslov; Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh; Viện trưởng Nghiên cứu châu Âu (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), PGS,TS Nguyễn Chiến Thắng đều bày tỏ niềm vui được chứng kiến sự quan tâm đặc biệt chủ đề của hội thảo và bày tỏ lời chào mừng các đại biểu tham dự, đóng góp tham luận với hội thảo.
Giáo sư Maslov, Đại sứ Ngô Đức Mạnh và PGS,TS Nguyễn Chiến Thắng đều đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song cũng không thể ngăn cản sức lao động, nghiên cứu khoa học, không thể ngăn cản giới chuyên môn hai nước trao đổi, dù chỉ bằng hình thức trực tuyến thông qua các đầu cầu tại Nga và Việt Nam.
Trong hai ngày hội thảo, gần 30 tham luận, các học giả tập trung trao đổi xoay quanh các chủ đề lớn, gồm: Chính sách đối ngoại: sự lựa chọn đối tác; Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Những hiện thực lịch sử ở thời đại mới; Giá trị văn hóa và tri thức phục vụ quốc gia; Ngôn ngữ và văn học như tấm gương phản ánh sự phát triển lịch sử.
Đề cập chủ đề lựa chọn đối tác, các tham luận tại hội thảo khẳng định, Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế từ rất sớm và với những thành tựu đạt được trong hơn ba thập niên thực hiện chủ trương hội nhập vừa qua, dù đương đầu không ít thách thức, Việt Nam sẽ tiếp tục đường hướng này trong những năm tới.
Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước lớn, trong đó coi trọng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga.
Bên cạnh đó, các học giả cũng đề cập, phân tích, đánh giá những thách thức hiện nay đối với vấn đề an ninh môi trường biển; đề cập hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế…
Đề cập ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, các học giả Nga và Việt Nam tập trung phân tích những tiền đề chủ yếu dẫn đến thành công của cuộc cách mạng này, xây dựng chính quyền của nhân dân; đánh giá Cách mạng tháng Tám tại Việt Nam là một giai đoạn lịch sử đặc biệt, mang bản sắc riêng của Việt Nam và nổi bật tính nhân văn, khi giúp giành được chính quyền rất nhanh gọn và hầu như không đổ máu; đánh giá về cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam trong thế kỷ 20 theo một cách tiếp cận và góc nhìn khoa học mới; đề cập những giá trị dân tộc, thách thức của quá trình hiện đại hóa trong thế kỷ 21; cho rằng “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam là phép thử tính hiệu quả của hệ thống nhà nước.
Sau khi kết thúc hội thảo, Ban tổ chức dự kiến trong quý I-2021, xuất bản Kỷ yếu với chủ đề: “Nước Việt Nam độc lập: con đường tiến tới sự tiến bộ và giữ gìn bản sắc”.