Truyền thông quốc tế đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản

Báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm đến chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide từ ngày 18-20/10. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo một nền kinh tế lớn đến thăm Việt Nam kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gặp gỡ báo giới trước khi khởi hành thăm Việt Nam và Indonesia từ sân bay Haneda ở Tokyo chiều 18/10. Ảnh: AFP.

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 18/10 đăng tải bài viết với tiêu đề “Ông Suga tới Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản”. Kyodo đưa tin Thủ tướng Suga đã tới Hà Nội vào ngày 18/10, bắt đầu chuyến công du kéo dài 4 ngày tới Việt Nam và Indonesia, trong bối cảnh tân Thủ tướng Nhật Bản muốn thúc đẩy mối quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Theo Kyodo, trong các cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Suga dự kiến sẽ đẩy mạnh nỗ lực nhằm xây dựng một khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do”, đồng thời thảo luận về hợp tác kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19.

Đài NHK (Nhật Bản) đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tới Việt Nam vào ngày 18/10 - điểm dừng chân thứ nhất trong chuyến công du đầu tiên của ông Suga kể từ khi ông nhậm chức. Ông Suga nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 16/9 sau khi người tiền nhiệm Abe Shinzo từ chức vì lý do sức khỏe.

“Tôi muốn thể hiện quyết tâm đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng khu vực nhằm xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Kyodo dẫn lời Thủ tướng Suga nói với các phóng viên trước khi ông rời khỏi sân bay Haneda tại thủ đô Tokyo để bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á.

NHK cho biết Thủ tướng Suga cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ trao đổi quan điểm về việc sớm nối lại các hoạt động đi lại giao thương giữa hai nước.

“Nhật Bản hy vọng có thể đẩy mạnh chuỗi cung ứng khẩu trang cũng như các hàng hóa khác trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát”, NHK đưa tin.

Tờ Japan Times đánh giá chuyến thăm đến Việt Nam của ông Suga là “quyết định tự nhiên”.

Nikkei nhận định việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sẽ giúp thúc đẩy đầu tư từ EU, Mỹ và Anh vào Việt Nam.

Nhật Bản đứng thứ hai sau Hàn Quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2019. Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc.

Theo Nikkei, chương trình nghị sự ưu tiên trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản là thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn giữa hai nước.

Reuters cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Suga diễn ra cùng thời điểm Nhật Bản nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bằng cách đưa hoạt động sản xuất về trong nước hoặc triển khai nhiều hơn tại khu vực Đông Nam Á.

Điều này đặc biệt đáng lưu ý khi Việt Nam là lựa chọn phổ biến của các doanh nghiệp Nhật Bản. Trong số 30 công ty Nhật Bản được hưởng chương trình ưu đãi 23,5 tỷ yen (khoảng 223 triệu USD) của Chính phủ Nhật Bản nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á, có một nửa đã nhắm tới Việt Nam, theo Reuters.

Trong khi đó, báo Hindustan Times (Ấn Độ) cũng đưa tin Việt Nam và Indonesia là hai điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Trước đó, cựu Thủ tướng Abe Shinzo cũng tới thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du chính thức đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã (Trung Quốc) dẫn lời một số nhà quan sát cho biết ông Suga mong muốn tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước thành viên ASEAN, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản.

“Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm nay và là nơi có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, trong khi Indonesia là nước đông dân nhất ASEAN và tương tự Nhật Bản, Indonesia cũng là thành viên của nhóm các nền kinh tế lớn G20. Cả Việt Nam và Indonesia đều có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tại Đông Nam Á”, Tân Hoa xã bình luận.

Theo Tân Hoa xã, phía Nhật Bản hy vọng rằng chuyến công du của Thủ tướng Suga sẽ thu hút thêm các thực tập sinh từ Việt Nam và Indonesia tới Nhật Bản trong thời gian sớm nhất, từ đó giúp hồi phục nền kinh tế Nhật Bản.

http://baochinhphu.vn/Quocte/Truyen-thong-quoc-te-dua-tin-ve-chuyen-tham-Viet-Nam-cua-Thu-tuong-Nhat-Ban/411266.vgp

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.