Nền kinh tế toàn cầu trở lại từ vực sâu của khủng hoảng
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), những thiệt hại do đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ không nghiêm trọng như những dự báo trước đó nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của các chính phủ trên thế giới.Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 6, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng trong năm 2020. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, bức tranh kinh tế hiện tại đã sáng hơn khi mà các hoạt động kinh tế trong quý II và quý III có phần tốt hơn dự kiến và điều đó cho phép IMF điều chỉnh tăng một chút đối với dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 của IMF.
Theo bà Kristalina Georgieva, có được kết quả đó phần lớn là nhờ các biện pháp chính sách đặc biệt đã hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế thế giới. Theo đó, các chính phủ đã cung cấp khoảng 12.000 tỷ USD để hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, trong khi các hành động chính sách tiền tệ chưa từng có đã duy trì dòng chảy tín dụng, giúp hàng triệu công ty tiếp tục kinh doanh.
Tuy nhiên, mức độ kích thích là không giống nhau dẫn tới sự phục hồi không đồng đều.
Cụ thể, tổ chức tài chính có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) nhận định Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới có thể tăng trưởng trong năm nay, với dự báo mức tăng GDP 1,9% - thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,1% năm 2019, song có thể bứt phá với mức tăng trưởng lên tới 8,2% trong năm tới 2021.
Nhà kinh tế trưởng của IMF, bà Gita Gopinath, cho rằng chính sự tăng trưởng của Trung Quốc đã kéo các chỉ số toàn cầu tăng lên đôi chút, trong khi những khu vực như châu Âu hay Mỹ Latinh sẽ phải đợi đến năm 2023 mới có thể hồi phục trở lại mức tăng trưởng trước khi đại dịch xảy ra.
Cũng theo IMF, triển vọng kinh tế năm 2020 có cải thiện ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và mới nổi, bao gồm Mỹ, châu Âu, Brazil và Nga. Tuy nhiên, với khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ thì dự báo không được tích cực như vậy. Mặc dù hầu hết các nền kinh tế phát triển sẽ hồi phục vào năm 2021 nhưng cũng sẽ không thể bù đắp được hết những thiệt hại trong năm 2020. Trong năm 2021, tăng trưởng của Mỹ được dự báo đạt 3,1% so với mức giảm 4,3% năm nay; châu Âu sẽ đạt tăng trưởng 5,2% so với mức giảm 8,3% năm nay; Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,3% nhưng giảm 5,3% trong năm nay.
Tổng giao dịch thương mại thế giới sẽ tăng khoảng 8,3% trong năm 2021 sau khi giảm 10,4% năm nay. Điều này cho thấy hầu hết các nước sẽ mất khoảng vài năm để có thể phục hồi kinh tế hoàn toàn. Trước đó, nhà kinh tế trưởng của WB Carmen Reinhart cũng nhận định, phải tới năm 2025 thì “vết sẹo” do dịch COVID-19 gây ra cho sức khỏe của kinh tế thế giới mới thực sự lành.
Trong báo cáo, IMF điều chỉnh mức dự báo suy giảm của kinh tế khu vực Mỹ Latinh trong năm 2020, từ mức giảm 9,4% xuống mức giảm 8,1%. Tuy nhiên, các chuyên gia IMF cho rằng Mỹ Latinh và Caribe sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Theo đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh năm 2021 xuống còn 3,6% so với mức dự báo tăng trưởng 3,7% đưa ra tháng 6 vừa qua.
Trong trường hợp thuận lợi, nếu cuộc chiến chống dịch COVID-19 tiến triển tốt hơn nhiều so với ở tình huống bất lợi, triển vọng kinh tế thế giới có thể tăng trưởng cao hơn gần 0,5 điểm phần trăm trong năm 2021 và cao hơn gần 1 điểm phần trăm vào năm 2023. Kịch bản thứ nhất dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 28.000 tỷ USD trong 5 năm tới, còn kịch bản thứ hai dự báo GDP toàn cầu vào năm 2025 sẽ cao hơn gần 2% so với trong kịch bản thứ nhất.
Bức tranh kinh tế toàn cầu đã bớt tàn khốc hơn so với các cảnh báo đã đưa ra, song vẫn vô cùng ảm đạm. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, tất cả các nước đều đang đứng trước một “con dốc dài” và cuộc “leo dốc” khó khăn đang là một thách thức mà mỗi quốc gia phải dốc sức để vượt qua.