Lào Cai: Xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đậm bản sắc dân tộc

Giai đoạn 2021- 2025, ngoài việc duy trì và phát triển các sản phẩm du lịch nổi bật đã có, Lào Cai còn hướng tới phát triển 8 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù là: nghỉ dưỡng cao cấp; văn hóa, cộng đồng; sinh thái, nông nghiệp, làng nghề; thể thao mạo hiểm; hội thảo, sự kiện; mua sắm; du lịch thực tế ảo - du lịch thông minh; du lịch biên giới.

Nhà Trình tường của người Hà Nhì (xã Ý Tý- huyện Bát Xát) trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn

 

Hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc

Những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Lào Cai đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, tạo điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc, đó là: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - cộng đồng; du lịch sinh thái, nông nghiệp - làng nghề; du lịch sự kiện; du lịch gắn với thể thao mạo hiểm; du lịch thông minh,…

Một số sản phẩm du lịch hiện đã trở thành thương hiệu của Lào Cai như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Vó ngựa trên mây- Sa Pa, Giải Marathone leo núi quốc tế, Giải đua xe đạp quốc tế một đường đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa,…

Các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa bản làng, gắn với ẩm thực có sức hấp dẫn lớn với du khách như: Lễ Tết nhảy người Dao Đỏ, Lễ hội Gầu tào người Hmong, Lễ hội Xuống đồng (lồng tồng) người Tày (Tà Chải, Bắc Hà), Lễ hội Roóng poọc người Giáy (Tả Van, Sa Pa), Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì (Y Tý, Bát Xát), chương trình du lịch "Sắc hoa Tây Bắc"; "Hành trình khám phá cung đường di sản Văn hóa Ruộng bậc thang - Tây Bắc”; Chương trình du lịch khám phá nét văn hóa của Chợ phiên vùng cao, các phiên chợ, làng du lịch homestay.

Các loại hình du lịch nông nghiệp gắn với các nghề thủ công truyền thống: Nghề chạm khắc dân tộc Hmong; nghề thêu thùa thổ cẩm người Dao, Hmong; nghề đan lát mây, tre đan người Hà Nhì,... các loại hình du lịch nông nghiệp gắn với việc trải nghiệm cuộc sống nông thôn, du lịch nông nghiệp tại Sa Pa, Bắc Hà; du lịch tâm linh ở Bảo Yên, thành phố Lào Cai… ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Phát triển các sản phẩm du lịch mới

Với mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất so với các tỉnh miền núi trong cả nước, giai đoạn 2021 – 2025, Lào Cai sẽ xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng của Lào Cai.

Trọng tâm là xây dựng sản phẩm du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp như sản phẩm du lịch "Thiên đường nghỉ dưỡng núi tại Sa Pa”, "Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe", Khu nghỉ dưỡng Lếch Dao (Sa Pa); Du lịch nghỉ dưỡng (xã Y Tý - huyện Bát Xát); xây dựng các khu, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trải nghiệm văn hóa bản địa với sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao tại thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng.

Phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng như hình thành các Làng Du lịch cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa của các lễ hội, làng nghề truyền thống, đặc trưng văn hóa dân tộc, các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu tập quán canh tác, sinh hoạt, trải nghiệm chợ phiên, thưởng thức các món ăn ẩm thực của đồng bào dân tộc, xây dựng các mô hình homestay. 

Xây dựng sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm như vượt thác nước, dù lượn, lưu trú trên cây, trượt cáp, chinh phục đỉnh cao, du lịch mạo hiểm trên sông Chảy, đua thuyền Kayak, du lịch trên sông Hồng; chèo SUP, Kayak (xã Mường Hum, huyện Bát Xát), đua xe đạp địa hình,…

Sản phẩm Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp - làng nghề như hình thành các chương trình trải nghiệm Hoa (Đỗ Quyên, Hoa Lan, Hoa Cải, Hồng cổ, Anh Đào,...); trải nghiệm vườn cây ăn trái (đào, mậm, lê, dâu tây,...), thảo dược; tham quan các trang trại nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP; tìm hiểu các loài chim, côn trùng, lưỡng cư trên tuyến leo núi Fansipan, Suối vàng (Sa Pa); du lịch sinh thái tại rừng già Y Tý; du lịch gắn với làng nghề thổ cẩm, sản xuất các sản phẩm mây, tre đan,…

Ngoài ra còn khai thác sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch mua sắm, du lịch thực tế ảo - du lịch thông minh, du lịch biên giới.

Với mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên môi trường, Lào Cai sẽ ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm tạo ra điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc và đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước.

 

MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM

DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

- Phấn đấu đón từ 10 triệu lượt khách du lịch trở lên.

- Tổng thu từ khách du lịch: Ước đạt 44.750 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP, ước đạt từ 22 - 23%.

 - Thu hút 40.000 - 42.000 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó 18.000 lao động trực tiếp, 24.000 lao động gián tiếp).

- Phát triển 8 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù (nghỉ dưỡng cao cấp; văn hóa, cộng đồng; sinh thái, nông nghiệp, làng nghề; thể thao mạo hiểm; hội thảo, sự kiện; mua sắm; du lịch thực tế ảo - du lịch thông minh; du lịch biên giới).

- Tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh: 1.400 cơ sở; số buồng khách sạn tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao: 10.000 buồng.

Thu Hương

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...