Khôi phục trạng thái bình thường mới tại nhiều nơi trên thế giới

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 1-9, chính quyền các nước và các khu vực trên toàn thế giới đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm khôi phục trạng thái bình thường mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Tại Anh, Bộ trưởng Tài chính hối thúc người dân hưởng ứng sáng kiến "Ăn ngoài để giải cứu" nhằm hỗ trợ sự phục hồi của ngành dịch vụ ăn uống. Nhằm khuyến khích người dân duy trì thói quen ăn hàng, sáng kiến này đề xuất giảm 50% giá bữa ăn cho người tới nhà hàng ăn uống vào ba ngày đầu tuần.

Nhân viên y tế Nga kiểm tra thân nhiệt người dân tại nơi công cộng. Ảnh TÂN HOA XÃ

* Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu nhận định, châu Âu có thể sống chung với dịch Covid-19 mà không cần có vắc-xin, thông qua kiểm soát dịch bệnh bằng các biện pháp phong tỏa cục bộ. WHO hy vọng châu Âu sẽ không ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn để tránh làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai.

* Bộ trưởng Giáo dục Pháp cho biết, một số lớp học tại Pháp sẽ được mở cửa, song một số lớp sẽ tiếp tục đóng cửa do dịch bệnh có chiều hướng phức tạp trở lại. Chính phủ Pháp muốn mở cửa đón hơn 12,9 triệu học sinh quay lại trường để bố mẹ có thể trở lại làm việc và dần khôi phục kinh tế.

* Học sinh tại Bỉ cũng đi học trở lại vào ngày 1-9, trong khi các trường học tại Ðức đã hoạt động từ tháng 7. Tại Hy Lạp, học sinh sẽ lại đến trường vào ngày 7-9 tới và phải đeo khẩu trang, trong khi sĩ số mỗi lớp bị giới hạn 25 em/lớp. Tại Bồ Ðào Nha, năm học mới dự kiến bắt đầu từ ngày 14 đến 17-9 tới.

* Ngày 1-9, Nga ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 vượt 1 triệu ca. Hiện Nga là nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất châu Âu và đứng thứ tư thế giới, sau Mỹ, Bra-xin và Ấn Ðộ. Trong ngày 1-9, hàng triệu học sinh tại Ba Lan và Nga đã trở lại trường học.

* Tại châu Á, nhiều nước đã mở cửa lại trường học. Chính quyền đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) quyết định mở cửa trường học đón học sinh đi học bình thường từ ngày 23-9 và việc mở cửa trở lại các lớp học được chia ra hai giai đoạn. Từ giữa tháng 8, hơn 170.000 sinh viên đại học và cao đẳng đã trở lại ký túc xá ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

* Tại Ấn Ðộ, hơn 2 triệu sinh viên đeo khẩu trang đã bắt đầu kỳ thi vào các trường đại học y và kỹ thuật trên cả nước trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 đã lên tới 3,7 triệu. Kỳ thi này đã bị hoãn hai lần trong năm nay do dịch diễn biến phức tạp.

* Ngày 1-9, Ma-lai-xi-a cho biết những người có giấy phép cư trú dài hạn đến từ Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin sẽ không được phép nhập cảnh kể từ ngày 7-9. Hiện Ma-lai-xi-a không cho phép các chuyến bay thương mại, cũng như không cho phép công nhân nước ngoài nhập cảnh.

* Bộ Y tế Thái-lan cam kết với người dân rằng cơ quan này sẵn sàng cho tình huống bùng phát dịch lần thứ hai. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái-lan xác nhận có đầy đủ thuốc, dược phẩm, đồ bảo hộ cá nhân và khẩu trang N95 cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc. Thái-lan đã trải qua 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

* Tại Mỹ, số ca mắc Covid-19 đã vượt quá con số 6 triệu chỉ ba tuần sau khi cán mốc 5 triệu ca, trong khi số người chết tại nước này đã vượt quá 183.000 người. Ðại dịch có dấu hiệu giảm bớt ở những bang bị ảnh hưởng nặng nề như Ca-li-pho-ni-a và Phlo-ri-đa. Các trường đại học trên khắp nước Mỹ cũng đang nỗ lực để có thể mở lại các lớp học trực tiếp mà vẫn đối phó hiệu quả với đại dịch.

* Tại Ga-na, Chính phủ nước này thông báo sẽ khôi phục đường bay quốc tế từ ngày 1-9, nhưng yêu cầu hành khách khi nhập cảnh phải xuất trình giấy xét nghiệm có kết quả âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, Ga-na vẫn đóng cửa biên giới đường bộ.

* WHO cảnh báo các dịch vụ y tế thông thường tại hơn 90% quốc gia trên thế giới đang bị gián đoạn nghiêm trọng do Covid-19 và những thành tựu y tế quan trọng có được trong hơn 20 năm qua có thể bị xóa sổ chỉ trong một thời gian ngắn. Theo đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều nhất tại các nước gồm tiêm chủng định kỳ, kế hoạch hóa gia đình, chẩn đoán và điều trị ung thư.

* Ngày 1-9, Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút cho biết, cơ quan này kêu gọi các nước duy trì các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với đại dịch, đồng thời cho rằng việc mở cửa một cách thiếu kiểm soát sẽ dẫn tới thảm họa. Ngoài ra, WHO cũng cho rằng hoạt động cấp phép khẩn cấp đối với các loại vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cần cân nhắc thận trọng.

* Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô công bố mốc thời gian mới cho kế hoạch tiêm chủng ngừa Covid-19 đại trà và cho biết hàng triệu người dân nước này có thể được tiêm vắc-xin vào tháng 1-2021. In-đô-nê-xi-a cần một năm để hoàn tất chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đại trà hoàn toàn do chính phủ tài trợ.

* Ca-na-đa thông báo đã ký thỏa thuận mua các vắc-xin phòng Covid-19 do hai tập đoàn của Mỹ là Novavax và Johnson & Johnson phát triển, với số lượng tương ứng nhiều nhất có thể là 76 triệu liều và 38 triệu liều. Bộ trưởng phụ trách mua sắm và dịch vụ công của Ca-na-đa cho biết chiến lược của Ca-na-đa là đạt được thỏa thuận với nhiều công ty để người dân nước này nhanh chóng được tiếp cận vắc-xin tốt.

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.