Nông dân Bát Xát thi đua làm giàu
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Bát Xát xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…Từ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trở thành phong trào thi đua có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nông dân, góp phần lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.Những triệu phú nông dân
Trong những chuyến công tác lên vùng cao Bát Xát, đi dọc tuyến đường mới ven sông Hồng qua khu vực thôn Tân Bảo, xã Bản Qua, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khu vườn táo, xoài, rau xanh mướt. Nhiều người đi qua đây thường dừng lại mua những quả táo thơm ngon, quả xoài nặng đến gần 1 kg, ngoài ra còn chuối, mía, rau xanh các loại. Hỏi ra mới biết đó là khu trang trại của gia đình anh Lý Văn Tiên, hộ nông dân điển hình về sản xuất giỏi.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Tiên cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng thuộc diện kinh tế khó khăn. Thấy đất đai ven bờ sông Hồng màu mỡ, tươi tốt nên gia đình đã ra khai khẩn, trồng rau, màu, cây ăn quả. Đến nay, gia đình tôi có gần 3 ha táo lai lê, táo chua, xoài, bưởi da xanh, hồng xiêm, trong đó nhiều loại cây đã cho thu hoạch quả. Tôi còn đầu tư làm hơn 1.000 m2 nhà màng để trồng rau 4 mùa. Mỗi năm, từ trồng trọt, gia đình thu nhập 300 - 400 triệu đồng. Dự kiến trong thời gian tới, khi tất cả diện tích cây ăn quả cho thu hoạch, mỗi năm cho nguồn thu khoảng 700 triệu đồng.
Đồng bào Dao đỏ xã A Mú Sung sơ chế chè Tuyết Shan. |
Đến xã Bản Xèo, hỏi anh Vũ Quang Hưng thì ai cũng biết, bởi anh là chủ một cơ sở sản xuất miến đao có tiếng ở vùng này. Năm 2016, cơ sở sản xuất miến đao của anh hoạt động, sản lượng đạt 7 tấn miến đao, thu lãi 120 triệu đồng. Đến năm 2019, cơ sở sản xuất được 17 tấn miến đao, thu lãi 280 triệu đồng. Cơ sở của anh Hưng đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu nhập trung bình 72 triệu đồng/người/năm, cao hơn thu nhập bình quân đầu người của xã (37 triệu đồng/người/năm). Anh Hưng cho biết: Tôi đã xây dựng được thương hiệu “Cơ sở sản xuất miến đao Hưng Hiền”. Sản phẩm đã thâm nhập hầu hết thị trường miền Bắc và một số tỉnh miền Nam như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long. Trong thời gian tới, cơ sở tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng.
Không chỉ ở Bản Qua, Bản Xèo, lên các xã vùng cao huyện Bát Xát, chúng tôi gặp không ít tấm gương nông dân dân tộc thiểu số tích cực phát triển kinh tế. Đến xã Dền Sáng, mô hình Tổ hội nghề nghiệp nuôi ong mật rừng ở thôn Ngải Trồ là một điển hình. Anh Lý Kin Ngan, dân tộc Dao, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi ong mật rừng thôn Ngải Trồ cho biết: Tổ hội nghề nghiệp nuôi ong mật rừng được thành lập năm 2018, ban đầu có 6 thành viên tham gia, với 60 đàn ong. Đến cuối năm 2019, tổ kết nạp thêm 10 tổ viên, nâng tổng số lên 16 tổ viên với 163 đàn ong.
Các thành viên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc đàn ong mật, như cách chia, tách đàn, phòng, chống rét cho đàn ong vào mùa đông, thời gian, thời điểm lấy mật, tìm hiểu giá, thị trường tiêu thụ mật ong. Năm 2019, các hội viên thu hoạch 230 lít mật ong, bán với giá 270.000 đồng/lít, tổng doanh thu khoảng 62 triệu đồng. Tuy mô hình mới hình thành nhưng đây là hướng liên kết phát triển kinh tế hiệu quả, có nhiều triển vọng, giúp nông dân vùng cao Dền Sáng giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập.
Đồng bào vùng cao thi đua làm giàu
Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Bát Xát ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, mỗi năm có thêm nhiều điển hình trong phát triển kinh tế. Giai đoạn 2015 - 2020, bình quân hằng năm có hơn 3.000 lượt hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đến năm 2020 là 1.920 hộ. Một xã có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều là Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược. Năm 2019, toàn huyện có 11 hộ được đề nghị sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 97 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 389 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
Điều đáng nói, toàn huyện có hơn 1.360 hộ sản xuất, kinh doanh là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 80% tổng số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Trong đó, có 175 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là hộ nghèo vượt khó. Tiêu biểu như ông Chảo Vản Heng (thôn Trung Chải, xã Dền Sáng), Lý Văn Vinh (thôn 1, xã Bản Vược), ông Lò Diếu Sào (thôn Láo Vàng Chải, xã Tòng Sành), ông Cao Xe Gia (thôn Kin Chu Phìn 1, xã Nậm Pung)...
Nông dân Y Tý trồng cây dược liệu. |
Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bát Xát khẳng định: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã khích lệ, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm triển khai, đến nay Bát Xát có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Bản Xèo, Quang Kim, Bản Vược, Mường Hum, Mường Vi, Bản Qua; 2 xã A Mú Sung, Dền Sáng chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện Bát Xát đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trong huyện đóng góp hơn 5,5 tỷ đồng và hơn 17 nghìn ngày công xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó đã làm mới và sửa chữa hơn 36 km đường giao thông nông thôn, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước; xây mới và cải tạo gần 420 km kênh mương, 1.039 phòng học kiên cố và bán kiên cố... Những kết quả trên góp phần thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
http://baolaocai.vn/kinh-te/nong-dan-bat-xat-thi-dua-lam-giau-z3n2020081415144741.htm