Châu Âu tăng cường ngăn ngừa đợt bùng phát dịch thứ 2
Ngày 29-7, Pháp ghi nhận thêm 1.392 ca nhiễm Covid-19. Chính phủ Pháp cho rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe còn diễn biến phức tạp và đề nghị tất cả người dân đeo khẩu trang ở các nơi công cộng. Một số nước châu Âu như Bỉ, Đức, Tây Ban Nha cũng tăng cường biện pháp chống dịch.Các nhà hàng tại Pháp được kê thêm bàn ghế ra vỉa hè để hạn chế tiếp xúc trong không gian kín. Tuy nhiên khách vắng hơn rất nhiều so với mọi năm.
Trong mấy ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở Pháp luôn ở mức hơn một nghìn và là sự gia tăng chưa từng có trong vòng một tháng qua. Bộ Y tế Pháp nhận định rằng sự lây lan có xu hướng tăng liên tục vì tỷ lệ lây nhiễm đã ở mức hơn một tại 10 vùng và tỷ lệ trung bình trên toàn quốc là 1,3, tăng đều từ ngày 1-7.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho rằng, diễn biến mấy ngày qua không phải là dấu hiệu thực sự của làn sóng lây lan thứ 2. Nguyên nhân chính là sự xuất hiện của nhiều ổ dịch mới và sự gia tăng tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc.
Ngày càng có nhiều người ở Pháp không đeo khẩu trang ở những nơi đông người, trừ ở những nơi công cộng trong không gian kín như quy định. Vì vậy, Bộ trưởng Y tế Pháp khuyến nghị người dân thực hiện biện pháp ngăn ngừa này, nhất là ở những nơi khó giữ khoảng cách an toàn.
Một số địa phương ở Pháp như tỉnh Mayenne thuộc phía tây, nơi có tỷ lệ nhiễm hơn 110 ca/100 nghìn dân trong 7 ngày qua, đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên đường phố ở trung tâm của bốn thành phố. Với tỷ lệ lây nhiễm như vậy, Mayenne và tám tỉnh khác ở Pháp hiện vẫn trong tình trạng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng ngày 29-7, Tổng thống Emmanuel Macron đã yêu cầu các bộ trưởng "luôn ở trong tình trạng ứng phó và sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết" trong những tuần tới khi kỳ nghỉ hè trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 1-8.
Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng nhắc lại khả năng áp dụng biện pháp phong tỏa khẩn cấp trong trường hợp dịch lan rộng trở lại, nhưng có thể chỉ triển khai tại những khu vực mà dịch bùng phát.
Liên tục trong mấy ngày qua, chính phủ và chính quyền địa phương ở Pháp kêu gọi người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm để tránh phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nghiêm ngặt như trước.
Tại vùng Brittany ở phía tây, chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa các bãi biển và công viên ngay sau khi xảy ra một số ổ dịch. Còn tại Paris, chính quyền thành phố cũng đang xem xét biện pháp lưu danh tính khách tới các nhà hàng và quán bar để dễ truy tìm dấu vết người tiếp xúc trong trường hợp xảy ra ổ dịch. Biện pháp này đã được áp dụng tại một số nơi ở Đức và Thụy Sĩ.
Hiện nay, ngành du lịch của Pháp tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Số lượng du khách tới Pháp đang ở mức thấp hơn nhiều lần so với cùng kỳ của những năm trước. Hằng năm vào các tháng hè, Pháp thường đón khoảng 17 triệu du khách quốc tế nhưng năm nay tình hình rất ảm đạm. Chính vì vậy, Chính phủ Pháp vừa quyết định cho ngành du lịch được tiếp tục hưởng lợi từ chương trình thất nghiệp một phần cho đến tháng 12.
Theo số liệu do Bộ Lao động Pháp công bố ngày 27-7, đại dịch Covid-19 đã gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và dẫn tới tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, có hơn sáu triệu người phải đi tìm việc làm. Cơ quan bảo hiểm thất nghiệp (UNEDIC) còn dự báo một tỷ lệ thất nghiệp có thể lên đến 11% vào cuối năm 2020, tức là tăng gần ba điểm so với năm ngoái 2019.
Pháp không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra đợt dịch thứ 2 và đã triển khai một số biện pháp ứng phó như bắt buộc đeo khẩu trang ở các nơi công cộng khép kín hay xét nghiệm khi nhập cảnh.
Tại Bỉ, chính quyền tỉnh Anvers đã ban hành lệnh giới nghiêm ở tỉnh Anvers, yêu cầu người dân ở nhà "càng nhiều càng tốt" và đề nghị du khách hủy tour. Kể từ ngày 29-7, chính phủ Bỉ áp dụng một số quy định như cấm các cuộc tụ tập hơn 10 người ở nhà riêng, hơn 100 người ở các sự kiện công cộng và phải đeo khẩu trang.
Chính quyền Đức đã tăng cường các biện pháp chống dịch sau khi xảy ra một số ổ dịch mới trong mấy ngày qua. Biện pháp xét nghiệm sàng lọc được áp dụng đối với những người trở về từ các khu vực có nguy cơ và phải tuân thủ quy định cách ly 14 ngày trừ khi có kết quả âm tính.
Các quan chức y tế Đức đề nghị người dân giữ khoảng cách ít nhất 1,5 m, đồng thời đeo khẩu trang kể cả ở trong và ngoài nơi công cộng nếu có đông người.
Ngày 28-7, Thượng viện Italy đã bỏ phiếu thông qua tình trạng khẩn cấp về y tế kéo dài cho đến ngày 15-10. Còn tại Luxembourg, các cuộc tụ tập hơn 10 người bị cấm từ cuối tuần trước.