Làm giàu từ mô hình thâm canh nuôi cá thương phẩm và sản xuất cá giống
Dám nghĩ, dám làm, năng động, mô hình thâm canh nuôi cá thương phẩm và sản xuất cá giống của chị Hoàng Thị Chắp (thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, thành phố Lào Cai) đã đem lại hiệu quả cao. Sau gần 20 năm đầu tư và phát triển, từ chỗ chỉ nuôi trồng nhỏ lẻ, đến nay gia đình chị đã sở hữu một trang trại rộng lớn với thu nhập trên một tỷ đồng mỗi năm.Năm 1999, thực hiện chương trình chuyển đối cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, chị Chắp và gia đình đã quyết định xây dựng trang trại chuyên nuôi trồng thủy sản cung cấp cá thương phẩm và sản xuất cá giống. Với nguồn nhân lực sẵn có cùng 2,5 ha mặt nước, gia đình chị Chắp đã nuôi thử nghiệm nhiều loại cá như mè, trắm cỏ, chép... nhưng do kinh nghiệm còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế không cao.
Cá bỗng giống (ảnh minh họa)
Không nản lòng, chị Chắp kiên trì nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đồng thời cập nhật từ các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình chị đã dần thuần thục trong việc sản xuất cá giống. Nếu như mỗi năm, nhu cầu cá giống của tỉnh Lào Cai vào khoảng 60 triệu con giống thì riêng cơ sở tư nhân của chị Chắp chiếm khoảng 40%, vào khoảng hơn 24 triệu con cá giống.
Về cá thương phẩm, chị Chắp hướng đến cá bỗng, giống cá giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon được nhiều người ưa thích. Qua thực tế cho thấy, cá bỗng có sức đề kháng với bệnh tốt, chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, nuôi được với mật độ cao, có đầu ra tương đối ổn định, giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 350.000-400.000 đồng/kg, thu nhập bình quân đã trừ chi phí thì lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Gia đình chị cũng đang nghiên cứu, học hỏi cách ươm giống để cung cấp ra thị trường, đây cũng sẽ là nguồn mang lại thu nhập khá cao cho gia đình. Để tận dụng diện tích mặt nước, gia đình chị còn ghép cá bỗng với một số loài khác như cá trắm đen, cá chép lai, rô phi đơn tính...
Sản xuất cá giống ở quy mô lớn, cơ sở cũng tạo việc làm thường xuyên cho 5 đến 6 lao động tại địa phương, 40 đến 50 lao động theo mùa vụ với mức lương trung bình từ 4 -5 triệu đồng/ người. Gia đình chị Chắp còn giúp đỡ cho 250 hộ dân về vốn, con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện cho các hộ trong khu vực cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bằng sự nỗ lực trong phát triển sản xuất, tính đến năm 2020, gia đình chị Chắp đã liên kết với 03 hộ trong xã nuôi, sản xuất cá giống để cung ứng hầu hết cho các hộ trong tỉnh và 6 tỉnh lân cận. Việc liên kết với các hộ dân giúp mở rộng diện tích, nâng quy mô và tăng số lượng cá giống, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu các loại cá giống của nông dân.
Thu nhập lên đến vài tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động và giúp đỡ nhiều chị em phụ nữ làm giàu từ nuôi cá, chị Hoàng Thị Chắp đã được vinh danh là một trong 63 nông dân tiêu biểu xuất sắc của cả nước năm 2015; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018.