Chuyển đổi số mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời đại dịch?
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) được đàm phán, ký kết và phê chuẩn trong khoảng thời gian từ năm 2012 và kết thúc vào năm 2020. Khoảng thời gian này cũng chính là khoảng thời gian bùng nổ của công nghệ, của kinh tế số và quan trọng nhất chính là thúc đẩy nhu cầu về chuyển đổi số. Vậy chuyển đổi số là gì và chuyển đổi số mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp?Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD, giảm 2,9%. Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 34,5%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ như: hàng dệt, may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giầy dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%.
“Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây cũng thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định.
Tăng khả năng tiếp cận thị trường
Phân tích cụ thể hơn về chuyển đổi số, đại diện Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, công việc xúc tiến thương mại quốc tế xưa nay không phải là một hoạt động mới, chủ yếu, các hoạt động này được tổ chức “offline” bằng cách mang hàng hóa tới các quốc gia khác và trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, phòng giới thiệu sản phẩm. Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp này có tỉ lệ chốt đơn hàng tương đối cao so với các hoạt động xúc tiến gián tiếp hoặc trực tuyến dù hoạt động này có chi phí khá cao với các yêu cầu về logistics.
“Tuy nhiên, khi COVID-19 xảy ra, các đơn vị mới dần nghĩ tới việc dịch chuyển sang hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến. Khi so sánh giữa hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến, hình thức trực tuyến có thể được tổ chức liên tục với chi phí ngắn và có thể thực hiện trên đa dạng các nền tảng. Hình thức này loại bỏ 3 hạn chế chính của hình thức trực tiếp gặp phải là về địa lý, về khả năng và số lượng tiếp cận, và cuối cùng là chi phí”, đại diện Vụ Đa biên cho biết.
Có thể thấy, chuyển đổi số đã mở ra khả năng tiếp cận một thị trường lớn là EU, nơi có hệ thống công nghệ thông tin phát triển và đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một công cụ để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đánh giá, quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính. Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18,000 tỷ USD. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
“Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP |
Một trong những lợi ích quan trọng khác mà chuyển đổi số mang lại cho xuất nhập khẩu Việt Nam đó là việc bảo vệ và phát triển các chỉ dẫn địa lý. Lợi ích này xuất phát từ vấn đề hàng hoá Việt Nam đang gặp phải khi ở các quốc gia thuộc khối EU, nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong khái niệm của người tiêu dùng.
Trong Hiệp định EVFTA, cả Việt Nam và EU đều đưa ra những chỉ dẫn địa lý như một tài sản quý giá cần được bảo vệ. Đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến. Chính vì sự nổi tiếng này, các thương hiệu này mới cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn để đấu tranh với những hàng hóa “mượn” những thương hiệu này để bán tới tay khách hàng. Có thể kể đến những chỉ dẫn địa lý của EU trong Hiệp định EVFTA như: Rượu vang Bordeaux (Pháp), Pho mát Mozzarella (Italy) cùng nhiều chỉ dẫn khác đều là những thương hiệu đã nổi tiếng lâu đời. Trong khi đó, những chỉ dẫn địa lý của Việt Nam điển hình như Gạo Hải Hậu hay Trà Tân Cương thực tế chỉ có “tiếng” ở trong nước.
“Bằng cách tận dụng quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các trào lưu mạng xã hội, các chỉ dẫn địa lý này có thể tới được với người tiêu dùng EU nhanh chóng và hiệu quả hơn. Vẫn là phương thức truyền thông cũ là hình thức truyền miệng, nhưng hình thức “truyền miệng trực tuyến” thông qua các khả năng lan truyền thông tin “viral” hay “trending” lại có hiệu quả vô cùng lớn trong thời đại số.
Cách thức mới này không chỉ giúp tạo ra ấn tượng về sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với người tiêu dùng EU mà còn tạo ra lớp bảo vệ trong chính nhận thức của người tiêu dùng EU cho các thương hiệu, các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam”, đại diện Vụ Thương mại đa biên cho biết.
Theo Báo cáo Kinh tế số 2019 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), kinh tế số chiếm khoảng 4,5-15,5% GDP toàn cầu. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, Internet vạn vật, robot và tự động hoá, điện toán đám mây. Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platform), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.
Tại Việt Nam, Sách Trắng Việt Nam và Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.
Đáng chú ý, ngay trong khi dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020.
Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020 là hoạt động thiết thực triển khai ngay Kế hoạch và Chương trình trên, đồng thời nhanh chóng tiếp cận một trong các Hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất, mang lại lợi ích cao cho Việt Nam, đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).