Hàng không tìm hướng "cất cánh" trở lại

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), chính phủ các nước trên thế giới đã cấp hơn 123 tỷ USD hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua khủng hoảng. Bản thân các hãng cũng nỗ lực cải thiện tình hình hoặc tìm hướng đi mới để có thể "cất cánh" trở lại.

Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa (Ðức). Ảnh TRAVELWEEK

Nghành vận tải hàng không thế giới bị tê liệt trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đóng cửa biên giới từ đầu tháng 3 vừa qua nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19. Mặc dù không có số liệu chính xác về số công ty có nguy cơ phá sản, IATA cảnh báo, nhiều hãng hàng không có thể rơi vào tình trạng này nếu các chính phủ không phản ứng kịp thời và đúng mức, hoặc nếu tình hình không được cải thiện khi các tuyến bay nội địa được nối lại vào tháng 6 theo kế hoạch đề ra, và tháng 7 đối với các tuyến bay quốc tế. IATA dự báo, ngành hàng không chỉ có thể phục hồi như trước khủng hoảng vào năm 2023.

Hãng hàng không lớn nhất Mỹ la-tinh LATAM, công ty sáp nhập từ LAN của Chi-lê và TAM của Bra-xin đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ sau khi hoạt động kinh doanh của hãng sụt giảm mạnh. Tập đoàn hàng không LATAM và các chi nhánh tại Chi-lê, Pê-ru, Ê-cu-a-đo và Cô-lôm-bi-a đã bước vào tiến trình tái cơ cấu tự nguyện theo Ðiều khoản 11 bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ðiều khoản này cho phép một doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ được tái cơ cấu mà không phải chịu sức ép từ các chủ nợ. Trước đó, hãng hàng không của Cô-lôm-bi-a Avianca, hãng hàng không lớn thứ hai ở Mỹ la-tinh, cũng đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để được tái cơ cấu khoản nợ do ảnh hưởng của đại dịch. Theo IATA, dự báo doanh thu của các hãng hàng không Mỹ la-tinh sẽ thiệt hại 15 tỷ USD.

Hãng hàng không lớn nhất của Nga Aeroflot cho biết, lượng hành khách trong tháng 4 vừa qua của hãng giảm tới 95% so cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Nga đã công bố khoản hỗ trợ khẩn cấp khoảng 316 triệu USD cho các hãng hàng không của nước này đang chịu tác động của đại dịch. Theo Tổng thống Nga V.Pu-tin, khoản tiền hỗ trợ được trích từ quỹ dự trữ, nhưng chỉ khi chính phủ công bố sắc lệnh chính thức thì các hãng hàng không mới có thể nộp đơn xin hỗ trợ. Tại Nga, trong lĩnh vực giao thông thì ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề nhất. Số lượng các chuyến bay quốc tế đã giảm khoảng 90%, trong khi các chuyến bay nội địa cũng giảm khoảng 88%. Trong khi đó, Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất châu Âu của Ðức, thông báo khoản lỗ 1,2 tỷ ơ-rô. Chính phủ Ðức đã đạt được nhất trí về những điều khoản cuối cùng trong gói cứu trợ dành cho hãng hàng không này. Thủ tướng Ðức và các bộ trưởng nhất trí mua lại 25% cổ phần của hãng, cũng như tiếp tục hỗ trợ thêm vốn. Lãnh đạo Lufthansa trước đó thừa nhận đang tiến hành đàm phán với Chính phủ Ðức về khoản cứu trợ chín tỷ ơ-rô nhằm bảo đảm cho hoạt động của hãng trong tương lai.

Nhiều hãng hàng không phải tìm hướng đi mới để tồn tại, đó là vận chuyển hàng hóa thay vì vận chuyển hành khách. Trong lịch sử hàng không, chưa bao giờ máy bay chỉ dùng để chở hàng như trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Khi hàng nghìn chuyến bay phải hủy thì vận chuyển hàng hóa cũng trở nên khó khăn và giá gửi hàng bằng đường hàng không tăng vọt khiến các hãng buộc phải nghĩ tới chuyển đổi tạm thời các khoang chở khách trống thành khoang chở hàng. Nhiều hãng hàng không ở Mỹ đã triển khai theo hướng này. Hãng American Airlines chưa bao giờ thiếu khách đến mức chỉ chở hàng trong suốt hơn 30 năm hoạt động, nhưng giờ cũng phải bay 140 chuyến chở hàng mỗi tuần. Hãng hàng không Lufthansa của Ðức cũng nắm bắt cơ hội và chuyển đổi dòng máy bay chở khách Airbus A330 sang chở hàng. Hồi tháng 4, hãng đã bay nhiều chuyến chở trang thiết bị y tế từ Trung Quốc tới Phranh-phuốc (Ðức).

https://nhandan.org.vn/tin-tuc-the-gioi/hang-khong-tim-huong-cat-canh-tro-lai-609373/

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.