Xuất khẩu rau quả tạo sức bật mới
Tuy tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia nhưng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan... lại tăng mạnh, thậm chí có thị trường tăng trên 200%.
Rau quả Việt đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng tin tưởng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu rau quả đạt 1,79 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các thị trường đều có giá trị xuất khẩu tăng như: Thái Lan đạt 68 triệu USD (tăng 233,4%); Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD (tăng 21,8%); Hoa Kỳ đạt 62 triệu USD (tăng 6,1%); Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD (tăng 15,5%); Hà Lan đạt 34 triệu USD (tăng 9%)…
Riêng thị trường truyền thống là Trung Quốc luôn đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu rau quả của Việt Nam cũng có nhiều điểm đáng chú ý.
Trong 5 tháng đầu năm với 60,4% thị phần, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 906,1 triệu USD, giảm 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 1,3 tỷ USD).
Tuy nhiên riêng sản phẩm vải thiều lại có sự gia tăng rất lớn. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 5/7, toàn tỉnh đã thu hoạch được 162.000 tấn vải thiều. Hiện, số vải thiều trong vườn không còn nhiều, chỉ 5-10 ngày nữa là hết vụ. Ước tính, tổng sản lượng vải toàn tỉnh khoảng 164.000 tấn. Với số lượng trên, tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm 52,5%, xuất khẩu chiếm 47,5%. Trong đó, riêng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc đã lên tới 76.626 tấn.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Chế biến, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng ngay từ thời điểm đầu vụ, giá vải thiều vẫn ở mức cao 40.000-45.000 đồng/kg. Dự kiến giá vải trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Theo Cục Chế biến và Phát triển trị trường nông sản, xuất khẩu vải thiều đã có đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, ngoài thị trường xuất khẩu chính Trung Quốc, Tập đoàn Vina T&T đã xuất khẩu lô vải thiều 30 tấn được sản xuất theo quy trình GlobalGAP đi thị trường Mỹ, đến hết vụ xuất khẩu được 50 tấn.
Với thị trường Nhật Bản, sau khi chuyên gia Nhật Bản tiến hành trực tiếp kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng vải thiều của Việt Nam, lô vải thiều chính vụ Bắc Giang đã lần đầu được xuất khẩu qua đường hàng không và đến sáng ngày 20/6 đã có mặt tại Nhật Bản.
Vải thiều có đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nhận định, việc EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, cụ thể là xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho rau quả Việt Nam vào thị trường EU.
Bên cạnh đó, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Nhật Bản vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, khoai lang… Đây là cơ hội lớn cho chuối Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này, sau thành công của vải thiều.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, điểm đáng chú ý là xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ví dụ điển hình như việc chuối của Việt Nam đã chính thức vào hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc; vải Hải Dương và Bắc Giang đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ; thị trường Ấn Độ rất ưa chuộng thanh long, vải, chôm chôm của Việt Nam; nhãn Sơn La bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới...
Cùng với đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 tới được nhìn nhận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích, EU là thị trường bậc cao nên ưu đãi về mặt thuế quan không phải hoàn toàn là màu hồng.
“Muốn tận dụng tốt cơ hội, nông, thủy sản Việt Nam phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn khắt khe… Từ năm 2016, ngành nông nghiệp đã tập trung vào các vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã bao bì… để ứng xử không chỉ với EVFTA mà còn nhiều FTA khác. Bởi không chuẩn hóa thì không thể hội nhập bền vững”, ông Toản nhấn mạnh.