Quyết liệt chỉ đạo để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 1/7, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7/2020 đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tháng 7; đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020. Đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh; thành viên UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các huyện, thành phố, thị xã.Quang cảnh phiên họp. |
Tăng trưởng kinh tế cao nhất so với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của UBND tỉnh cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, lây lan, ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh, tuy nhiên với sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả (nhiều nội dung sáng tạo được Trung ương đánh giá cao), việc khôi phục và phát triển kinh tế của tỉnh có nhiều tín hiệu khả quan.
Tăng trưởng kinh tế đạt 6,08%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, cao nhất so với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Sản xuất nông nghiệp thực hiện đúng khung thời vụ; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 117 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; công tác bảo vệ và xã hội hóa trồng rừng mới được tích cực triển khai (đạt 57,3% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ). Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh triển khai nhằm hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2016 - 2020 (6 tháng đầu năm đã công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 56 xã, đạt 39,2% tổng số xã).
Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương. |
Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 10,7% so với cùng kỳ. Hoạt động của các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh Covid - 19 được kiểm soát. Các lĩnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục được quan tâm, thực hiện tốt. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Quan hệ đối ngoại mở rộng; công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả tốt...
Các đại biểu dự phiên họp cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Đó là, dịch Covid-19 đã khiến nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chính đạt thấp so với cùng kỳ và dưới 50% kế hoạch 2020: Lượng khách và doanh thu du lịch giảm mạnh (tổng lượt khách giảm 65% so với cùng kỳ, đạt 18,2% kế hoạch; tổng doanh thu du lịch giảm 70,6% so với cùng kỳ, đạt 14,5% kế hoạch). Số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm 20,7% so với cùng kỳ, đạt 29,6% dự toán đầu năm. Thiên tai, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng ước khoảng 126 tỷ đồng. Tiến độ xây dựng một số dự án, công trình, quy hoạch trọng điểm, quan trọng của tỉnh còn chậm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. |
Chỉ đạo về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Đặng Xuân Phong yêu cầu: Các ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy phát triển du lịch, xuất - nhập khẩu, thu ngân sách trên địa bàn, giải quyết vướng mắc liên quan đến đất đai, quản lý đô thị.
Các địa phương, các ngành cần quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; cần linh hoạt trong chỉ đạo và chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, biến tiềm năng, lợi thế thành nguồn lực cho phát triển.
Khẩn trương đánh giá các đề án trọng tâm trong nhiệm kỳ; đồng thời cần làm rõ 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới gồm nhân lực, hạ tầng và dịch vụ, du lịch.
Hoàn thành 6 nội dung cơ bản gồm xóa nhà tạm; nhà văn hóa thôn, bản; giao thông nông thôn; hệ thống loa truyền thanh; hộ nghèo; điện nông thôn ngay trong năm 2020.
Ngay từ bây giờ, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để hướng tới tổ chức kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai (1991 - 2021) đảm bảo trang trọng, đặc sắc và ấn tượng. Các địa phương chủ động xây dựng phương án, triển khai thực hiện, tạo sự phấn khởi, thi đua trong cán bộ, nhân dân hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 tỉnh giao (bao gồm cả vốn đầu tư phát triển năm 2018, 2019 kéo dài sang năm 2020, gọi tắt là kế hoạch vốn kéo dài) là 5.226 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn kéo dài (thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/12/2020) là 486 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 145 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch; kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 được giao 4.739 tỷ đồng, giá trị giải ngân tính đến nay đạt 1.863 tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Lào Cai đứng thứ 15/126 cơ quan, đơn vị; đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Tổng số công trình khởi công mới năm 2020 là 491 dự án, trong đó 411 dự án đã khởi công, 80 dự án chưa khởi công.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị đến hết tháng 8/2020 giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019 sang năm 2020; đối với kế hoạch vốn năm 2020, giải ngân đạt trên 80% kế hoạch trước ngày 30/9/2020 và hoàn thành trước ngày 31/12/2020.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển. |
Trên cơ sở các ý kiến báo cáo về những khó khăn, hạn chế trong công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong yêu cầu rà soát, điều chỉnh vốn đối với các dự án, chủ đầu tư chậm triển khai, thậm chí kiểm điểm, phê bình các chủ đầu tư chậm giải ngân vốn đầu tư, chậm khởi công các dự án đã được phê duyệt.