Việt Nam chung tay nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu
Việt Nam ủng hộ và chung tay nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và các hệ lụy an ninh của nó, đặc biệt trên cương vị ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021.
Nhân dịp Hội nghị trực tuyến an ninh và khí hậu Berlin lần 2 được tổ chức vào ngày 24/6/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có Thông điệp gửi Hội nghị và được giới thiệu, đăng tải tại Hội nghị. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu Thông điệp:
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Các tác động ngày càng phức tạp và nhiều mặt của biến đổi khí hậu đe dọa chính sự sống còn của nhiều cộng đồng dân cư và thậm chí cả các quốc gia. Biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng hơn bất ổn và xung đột, từ đó đe dọa sự ổn định và an ninh khu vực và toàn cầu.
Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết vấn đề này. Một vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu đòi hỏi hành động ứng phó toàn cầu.
Chúng ta cần thực hiện các thỏa thuận khí hậu quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, nhất là Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris, trong đó các nước phát triển và các quốc gia phát thải lớn cần đóng vai trò đi đầu trong thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Việc hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cũng cần được tăng cường, đặc biệt là về tài chính và chuyển giao công nghệ khí hậu phục vụ thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Và quan trọng là chúng ta cần tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột nhất là nghèo đói, bất công xã hội, chủ nghĩa quân phiệt, coi thường luật pháp quốc tế.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Việt Nam ủng hộ và chung tay nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và các hệ lụy an ninh của nó, đặc biệt trên cương vị ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam mong đợi được tiếp tục phối hợp tích cực với các nước trên thế giới trong các nỗ lực này, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là hòa bình, an ninh và phát triển cho tất cả mọi người.