Thanh niên ASEAN-Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác giai đoạn dịch Covid-19

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng toàn cầu, hạn chế các hoạt động đi lại và trao đổi trực tiếp, nhưng không thể ngăn cản thế giới duy trì liên lạc và hợp tác để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, nhất là đối với những người trẻ năng động, sáng tạo, ấp ủ hoài bão lớn.
Thanh niên ASEAN-Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác giai đoạn dịch Covid-19

Đối thoại Thanh niên ASEAN-Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác giai đoạn dịch Covid-19

Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự Đối thoại thanh niên Ấn Độ - ASEAN lần thứ 3 do Bộ Ngoại giao Ấn Độ phối hợp với Quỹ Ấn Độ và Ban Thư ký ASEAN tổ chức từ ngày 8 đến 10-6. Đối thoại lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến do diễn biến của đại dịch Covid-19.

Trong ba ngày diễn ra hội nghị, hơn 100 đại biểu là những thanh niên ưu tú, lãnh đạo chính trị và nhà ngoại giao đến từ các quốc gia ASEAN và Ấn Độ đã tập trung thảo luận xoay quanh các chủ đề “Vai trò của Thanh niên trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”, “Kinh nghiệm và bài học chống Covid-19 của nước mình”, “Vai trò của công nghệ và khởi nghiệp trong thời Covid-19” và “Tác động địa chính trị của Covid-19 đối với trật tự thế giới và khu vực”. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, các đại biểu cho rằng nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải tìm ra cách thức thúc đẩy hợp tác hiệu quả, đặc biệt giữa tầng lớp thanh niên của Ấn Độ và ASEAN để bảo vệ đất nước, khu vực và thế giới trước mối tai ương dịch bệnh và tăng cường phối hợp, đưa ra các sáng kiến góp phần tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ thời hậu Covid-19.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh với sức trẻ và sức sáng tạo của mình, thanh niên vai đóng trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối Ấn Độ-ASEAN. Trong thời kỳ Covid-19, giới trẻ Việt Nam nói riêng và Ấn Độ - ASEAN nói chung đã có những đóng góp to lớn, để lại dấu ấn rõ nét trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Ngoài ra, Đại sứ cũng gợi ý một số biện pháp để tăng cường kết nối Ấn Độ - ASEAN như thông qua hành trình chuyến tàu xuyên Ấn Độ - ASEAN, đẩy mạnh giáo dục, kết nối doanh nghiệp trẻ...

Đề cập đến mối quan hệ của giới trẻ Việt Nam-Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định thanh niên tạo nên mối liên kết chính trong các hoạt động trao đổi xã hội, văn hóa và thương mại giữa hai nước. Hàng nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Ấn Độ và hàng nghìn thanh niên Ấn Độ đến Việt Nam mỗi năm. Đó là một minh chứng cho mối quan hệ giao lưu nhân dân bền chặt. Đại sứ lưu ý hai nước cũng có chương trình trao đổi học viên quân sự thuộc cả ba quân chủng để các sĩ quan trẻ tuổi mỗi nước hiểu hơn về văn hóa, đất nước và con người của nhau. Đại sứ khẳng định mạng lưới trao đổi càng dày thì nền tảng hòa bình và ổn định của khu vực càng vững chắc, đồng thời bày tỏ tin tưởng sự trao đổi mạnh mẽ giữa giới trẻ ASEAN và Ấn Độ đóng vai trò hết sức quan trọng trong quan hệ song phương, đặc biệt trong các vấn đề trụ cột về xã hội và văn hóa.

Cũng tại hội nghị, học giả Siddhart Singh đã nêu năm luận điểm về việc xây dựng một trật tự thế giới và khu vực mới thời hậu Covid-19. Trước hết, ông Singh cho rằng trong thời đại mới sau dịch Covid-19, Ấn Độ và ASEAN cần hợp tác để thúc đẩy một mô hình toàn cầu hóa mới với con người nằm ở giá trị cốt lõi chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế như trước đây; Thứ hai, hai bên cũng cần hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng mới của khu vực hoặc toàn cầu sau khi chuỗi cung ứng cũ đã bị gián đoạn nghiêm trọng do dịch bệnh. Các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan... cùng với Ấn Độ sẽ đóng vai trò then chốt trong bất kỳ chuỗi cung ứng khu vực hoặc toàn cầu mới nào, đặc biệt là trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thứ ba là hợp tác về công nghệ. Công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người và điều này đã được chứng minh trong thời kỳ Covid-19. Thứ tư là bối cảnh địa chính trị mới nổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dịch Covid-19 có thể là một bước ngoặt làm thay đổi cán cân sức mạnh ở khu vực này và làm xuất hiện một cục diện địa chính trị mới. Cuối cùng là tính trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vai trò trung tâm của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Đây là hai yếu tố quan trọng trong trật tự mới này.

https://nhandan.org.vn/thegioi/cong-dong-asean/item/44815002-thanh-nien-asean-an-do-day-manh-hop-tac-giai-doan-dich-covid-19.html

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.