Tư tưởng Hồ Chí Minh - tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi người chúng ta, dậy lên biết bao cảm nghĩ, biết bao nỗi nhớ, niềm tin yêu và tự hào về Bác.Nhớ lời đồng chí Lê Duẩn năm xưa: “Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta”.
Nhớ những câu thơ sâu đậm ân tình của nhà thơ Tố Hữu:
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
.........
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già
Nhớ Bác rất nhiều. Nhưng nói sao cho hết công lao, sự nghiệp và phẩm chất con người của Bác?
Viết bài báo nhỏ này, với tiêu đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh - tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta”, tôi mong được đóng góp một vài ý kiến để nhận thức rõ hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh và mối quan hệ với phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà Đảng ta đã phát động trong nhiều năm nay.
Vậy tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?
Mấy thập niên qua, đã có hàng loạt cuộc hội thảo, mấy chục tác phẩm nghiên cứu có giá trị sâu sắc của nhiều tác giả nổi tiếng về tư tưởng Hồ Chí Minh đã được xuất bản. Cũng đã có nhiều bộ giáo trình về tư tưởng Hồ Chí Minh được giảng dạy ở các trường chính trị.
Ở đây, tôi chỉ xin nhắc lại một định nghĩa gần như kinh điển được nêu lên trong văn kiện Đại hội IX của Đảng ta (năm 2001): “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Có nghĩa: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết chính trị - cách mạng chứ hoàn toàn không phải là tập hợp những ý tưởng, những suy nghĩ cụ thể, riêng lẻ. Chẳng những thế, đó còn là một học thuyết mang tầm thời đại. Bởi vậy, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Và chỉ rõ: “Khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta”.
Có câu hỏi đặt ra: Vậy 9 loại tư tưởng cơ bản nêu lên trong định nghĩa chung về tư tưởng Hồ Chí Minh phải chăng chỉ là những tư tưởng cụ thể hay có cả tư tưởng mang tính lý luận, quan điểm?
Xin trả lời: Cả hai, mà lý luận, quan điểm là cái nền. Thí dụ: Khi nói tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, hay tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì trước hết ta tìm thấy trong đó, quan điểm của Bác về cách mạng dân tộc giải phóng và về cách mạng vô sản hay cách mạng xã hội chủ nghĩa, tính tất yếu của các cuộc cách mạng đó trong thời đại mới và sự đòi hỏi phải vận dụng phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi nước. Khi nói tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hay tư tưởng về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân thì Bác nói vừa có lý vừa có tình, lấy quan điểm, lý luận hướng dẫn cho hành động thực tiễn. Ta thấy rõ điều đó khi đọc các tác phẩm của Bác về từng loại tư tưởng ấy. Và mỗi loại tư tưởng Bác nêu lên đều là đề tài nghiên cứu chuyên sâu của nhiều tác giả trong khi nghiên cứu tổng hợp về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Một câu hỏi khác: Nếu tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết chính trị - cách mạng thì trách nhiệm của các lớp kế thừa là học tập và vận dụng, phát triển sáng tạo chứ sao lại đặt vấn đề “học tập và làm theo”?
Tôi nghĩ, có một sự hiểu lầm nào đó về phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nói học tập và làm theo tư tưởng ở đây là nói phải học tập và làm theo những lời chỉ dạy cụ thể của Bác. Thí dụ, Bác nói: Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào, ngành nào… đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân…
Bác còn nói: Mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông... Dù được xem hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách. Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận.
Vậy có lẽ gì cán bộ, đảng viên chúng ta lại không làm theo những lời chỉ dạy ấy?
Cũng cần nói thêm: Làm theo không có nghĩa là lặp lại nguyên xi, bắt chước vụng về, ngay cả trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác.
Ai cũng biết, cả cuộc đời mình, từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến khi lên chiến khu Việt Bắc rồi về lại thủ đô giải phóng, Bác vẫn quần áo nâu sòng, mấy bộ ka ki cũ kỹ. Vẫn ăn uống đạm bạc. Vẫn Một đời thanh bạch chẳng vàng son/Mong manh áo vải hồn muôn trượng...
Thế nhưng, Bác không đòi hỏi mọi cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, đều phải ăn mặc như Bác. Bác chỉ cần mọi người đều thực hành tiết kiệm. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là hồn cốt của tư tưởng của Bác về đạo đức cách mạng.
Ngay trong một số chuyến đi thăm nước ngoài, thay vì đi giày tây, Bác vẫn dùng đôi dép cao-su quen thuộc nhưng không để cán bộ tùy tùng làm như Bác. Bộ quần áo ka ki và đôi dép cao-su trở thành một trong những biểu tượng của nếp sống giản dị, được bạn bè nước bạn ngợi ca.
Tố Hữu viết: Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn/ Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn.
Để kết thúc bài báo này, tôi xin nêu lên sau đây hai sự đánh giá đặc biệt của Đảng ta đối với Hồ Chủ tịch và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, đó là Điếu văn của Ban Chấp hành Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969: “Hồ Chủ tịch đã qua đời! Nhưng Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại HỒ CHÍ MINH, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Thứ hai, đó là Nghị quyết Đại hội IX của Đảng (năm 2001) xác định tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết cách mạng. “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Và Đảng ta kiên định “lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.
Tự hào biết mấy!