PCI là “cánh chim” mang tinh thần cải cách
Trong 15 năm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh và sự nghiệp phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam. Nhân sự kiện này chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Chỉ đạo PCI.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI. (Ảnh:MP)
Phóng viên (PV): Năm nay là năm thứ 15 kể từ khi PCI được thực hiện. Ông có thể cho biết đóng góp lớn nhất của PCI trong hành trình cải cách kinh tế ở Việt Nam thời gian 15 năm qua?
Ông Vũ Tiến Lộc: Quan sát thực tiễn kinh tế ở nước ta vào đầu những năm 2000, chúng tôi thấy một điều thú vị: Trong khi các điều kiện về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, tài nguyên và nguồn nhân lực ở một số địa phương là khá tương đồng, nhưng thành quả phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư... lại rất khác nhau. Chìa khoá tạo nên sự khác biệt là chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương. Đó là điều gợi mở, là nguồn cảm hứng để chúng tôi bắt đầu một hành trình chưa từng có tiền lệ là điều tra, phân tích và xây dựng báo cáo PCI. Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam (PCI) đã ra đời như thế.
PCI là tiếng nói của khu vực tư nhân về chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Tại sao lại khu vực tư nhân? Bởi đây là khu vực đông đảo nhất trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm tới 97-98% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế. Tiếng nói của khu vực tư nhân là tiếng nói từ cơ sở - nơi sinh kế của hàng chục triệu gia đình. Trao quyền để khu vực kinh tế tư nhân nói lên tiếng nói của mình, chủ động tương tác có hiệu quả với chính quyền các cấp trong hoàn thiện thể chế và thúc đẩy thực thi, là đóng góp lớn nhất của PCI trong hành trình cải cách kinh tế ở Việt Nam.
PV: Bên cạnh đóng góp trao quyền để khu vực kinh tế tư nhân nói lên tiếng nói của mình chắc hẳn còn nhiều chuyển biến trong môi trường kinh doanh mà PCI mang lại, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: 15 năm PCI đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh và sự nghiệp phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam. Từ chỗ ít được quan tâm, công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay đã và đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu ở tất cả các địa phương. Từ chỗ vị thế, quy mô còn nhỏ bé, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã gia tăng nhanh chóng với gần 800 ngàn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh, được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế, được tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích phát triển. Từ vị trí rất thấp trong các bảng xếp hạng thế giới, thứ hạng môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được nâng cao và đang hướng tới mục tiêu lọt vào nhóm 3 - nhóm 4 nền kinh tế đứng đầu ASEAN. PCI tự hào đã góp một viên gạch nhỏ trên con đường chuyển đổi quan trọng đó của nền kinh tế Việt Nam.
Sản phẩm quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân. Và không chỉ khuyến cáo ở tầm định tính, thông điệp cải cách từ PCI là những con số biết nói, và những câu chuyện cụ thể có thể “cân, đong, đo, đếm” và áp dụng được ngay. Cách tiếp cận thực tiễn là đặc sản của PCI.
Có đến “Một ngàn lẻ một” câu chuyện cải cách đang được chia sẻ giữa các địa phương. “Cà phê Doanh nhân” “sự chụm đầu” thân thiện và hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp được thai nghén từ Đồng Tháp giờ đã là nếp sinh hoạt đẹp không thể thiếu tại 40 tỉnh, thành phố ở nước ta. DCCI - một phiên bản PCI ở cấp sở, ban ngành, quận huyện, được Quảng Ninh tiên phong thực hiện mạnh mẽ, hiện cũng đã được nhân rộng ra trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các mô hình khác như: Hiệp hội doanh nghiệp nhất thể hoá ở cấp tỉnh, Trung tâm dịch vụ hành chính công, Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA), Bác sỹ doanh nghiệp, các thực tiễn tốt trong đối tác công tư (PPP)... cũng được lan tỏa giữa các địa phương theo hành trình PCI suốt hơn một thập kỷ qua. PCI là cánh chim mang tinh thần cải cách tới mọi miền.
PV: Ông đánh giá như thế nào về PCI-2019?
Ông Vũ Tiến Lộc: Năm nay kỷ niệm PCI bước vào “tuổi trăng tròn”, báo cáo PCI 2019 được trình làng. Chúng ta vui mừng: Kết quả PCI - 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ này của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Những cải cách thể chế được thể hiện khá rõ. Cụ thể, sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ; môi trường kinh doanh bình đẳng hơn; tính minh bạch được cải thiện; cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; chi phí không chính thức tiếp tục giảm; cải cách hành chính được đẩy mạnh... Bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn. Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền.
Điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch; 43% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư... Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.
PCI -2019 phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trước đại dịch COVID 19. Bây giờ thì tình hình đã khác, nỗi lo suy thoái đang là xu hướng chủ đạo. Nhưng chúng ta tin rằng chỉ số niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự điều hành của các cấp chính quyền năm 2020 chắc chắn sẽ vẫn khả quan.
Cũng như trong các cuộc chiến mà chúng ta phải đương đầu, cuộc chiến chống COVID-19 đã củng cố trong mỗi chúng ta niềm tin: Khi chúng ta khơi dậy được tinh thần yêu nước và sự đồng lòng để toàn dân ra trận, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chúng ta luôn có thể làm được những điều tưởng như không thể. Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia hiếm hoi đã sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh để có thể tiên phong mở cửa thị trường, tái khởi động, phục hồi nền kinh tế... Đó là cơ hội vàng của người đi trước. Nhưng chúng ta cũng hiểu rất rõ rằng: Phục hồi không phải trở lại ngày hôm qua và tái khởi động không phải là vẫn làm theo cách cũ. Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và phải có trách nhiệm hơn.
Bên cạnh bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh, với tư cách một điểm nhấn đặc biệt, báo cáo PCI năm nay đã lựa chọn chủ đề: Tự động hoá và chuyển đối số trong doanh nghiệp – cơ hội và thách thức đối với vấn đề lao động và việc làm ở nước ta. Trong bối cảnh thời COVID, việc đặt vấn đề nghiên cứu chủ đề này là dễ hiểu, bởi đây là vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất.
Báo cáo PCI ghi nhận: Các chủ trương chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng cải cách giáo dục phải được gia tốc mạnh mẽ hơn, cần tăng cường tiếng nói và sự chung tay của giới doanh nghiệp trong việc đầu tư và định hướng các chương trình đào tạo. Và cùng với việc nâng cao kỹ năng của người lao động thì một chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân để nâng cấp, chuẩn hoá và quốc tế hoá doanh nghiệp đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo định hướng phát triển có trách nhiệm và bền vững phải là một yếu tố cấu thành quan trọng bậc nhất của chương trình quốc gia tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.
PV: Xin cảm ơn ông!