Cải thiện năng suất lao động qua kinh tế số
Trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số (KTS) sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động (NSLĐ) tổng thể nền kinh tế.
Nhận định trên được đưa trong ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019: Cải thiện NSLĐ trong bối cảnh kinh tế số” vừa được trường Đại học kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) công bố.
Đây là nghiên cứu đầu tiên của một tổ chức trong nước định lượng tác động của KTS đến NSLĐ các ngành, khu vực của nền kinh tế và dự báo tác động của KTS đến NSLĐ tổng thể đến năm 2020.
Năng suất lao động khu vực kinh tế nhà nước có xu hướng tăng dần
Báo cáo nêu rõ, mặc dù NSLĐ của Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.
Theo GS,TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHKTQD, trong ba khu vực lớn của nền kinh tế, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn dẫn đầu về mức NSLĐ, khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) ở vị trí thứ hai và khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức NSLĐ thấp nhất.
Cụ thể, năm 2010, NSLĐ của khu vực kinh tế FDI đạt 186,23 triệu đồng/lao động, gấp 1,4 lần khu vực KTNN và gấp 8,6 lần khu vực ngoài nhà nước. Năm 2018, NSLĐ của khu vực kinh tế FDI đạt 225,12 triệu đồng/lao động gấp khoảng 1,3 lần khu vực KTNN và gấp 6,9 lần khu vực ngoài nhà nước. Nhưng đặc điểm của khu vực FDI là NSLĐ tăng, giảm không ổn định và liên tục giảm từ năm 2016.
NSLĐ của khu vực KTNN có xu hướng tăng dần, do đó khoảng cách về NSLĐ tuyệt đối với khu vực kinh tế FDI ngày càng thu hẹp. Những cải thiện đáng kể về NSLĐ của khu vực KTNN (từ mức 132,46 triệu đồng/lao động năm 2010 lên 175,37 triệu đồng/lao động năm 2018) đạt được chủ yếu là nhờ đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước và dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, được ưu đãi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất.
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức NSLĐ thấp nhất. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân có mức NSLĐ đạt 44,58 triệu đồng/lao động, thấp hơn khu vực kinh tế tập thể, khu vực KTNN và khu vực kinh tế FDI, nhưng cao hơn so với khu vực kinh tế cá thể và mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế.
Dù được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là những DN nhỏ và siêu nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao NSLĐ. Nguyên nhân do khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia, học hỏi từ chuỗi giá trị do các DN FDI dẫn dắt, hòa nhập chậm chạp vào chuỗi giá trị toàn cầu và không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
Khu vực kinh tế cá thể có mức NSLĐ thấp nhất, đạt 17,83 triệu đồng/lao động năm 2010 và tăng lên mức 27,52 triệu đồng/lao động năm 2018, chưa bằng 1/2 NSLĐ tổng thể. Nhưng đây là khu vực kinh tế quan trọng vì tạo ra hơn 70% việc làm của nền kinh tế.
Vì vậy, dịch chuyển lao động từ khu vực kinh tế cá thể sang các khu vực tiên tiến có quy mô lớn hơn diễn ra thuận lợi thì NSLĐ tổng thể sẽ tăng lên rất nhanh. Do đó, việc tạo môi trường để DN phát triển lên quy mô lớn hơn là bài toán cốt lõi để nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế.
Về đóng góp của tăng năng suất các khu vực và chuyển dịch cơ cấu lao động đến tăng trưởng NSLĐ, trong giai đoạn 2011-2018, khu vực kinh tế cá thể có đóng góp lớn nhất, chiếm 31% cho tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế. Khu vực kinh tế FDI có đóng góp lớn thứ hai, chiếm khoảng 30% và ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Khu vực KTNN có đóng góp lớn thứ ba, chiếm khoảng 22%, chủ yếu là do NSLĐ của khu vực tăng lên trong giai đoạn vừa qua.
Đóng góp trung bình 7%-16,5% trong tốc độ tăng trưởng năng suất lao động
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, ở kịch bản gốc, đến năm 2020, NSLĐ theo giá năm 2010 của Việt Nam là 71,87 triệu đồng và có thể tăng lên 126,5 triệu đồng vào năm 2030. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân là 5,7%/năm (giai đoạn 2020 - 2025) và 5,9%/năm (giai đoạn 2025 - 2030).
Nếu phát triển kinh tế số theo bốn kịch bản chuyển đổi số từ mức chậm đến các mức gia tăng ứng dụng công nghệ số khác nhau, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình thấp nhất là 6,25%, cao nhất là 6,97%.
Tính cho cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng KTS đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Theo đó, có thể thấy đóng góp của KTS là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ.
Kết quả dự báo cho tất cả các kịch bản đều cho thấy KTS có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng NSLĐ của khu vực kinh tế FDI, tiếp đến là khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi đó, đóng góp của KTS đến tăng trưởng NSLĐ ở khu vực kinh tế nhà nước còn rất hạn chế.
Trong thập niên tiếp theo, khu vực kinh tế FDI sẽ có đóng góp lớn nhất (khoảng 46%) cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể; khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp lớn thứ hai (khoảng 29%); vị trí thứ ba là khu vực kinh tế cá thể với tỷ trọng đóng góp khoảng 15%.
KTS có tác động nhiều nhất đến NSLĐ ở các ngành liên quan đến khoa học công nghệ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; công nghệ thông tin truyền thông; đóng góp thấp nhất ở ngành nông lâm thủy sản và ở mức khiêm tốn đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngoài ra, KTS có tác động thúc đẩy gia tăng NSLĐ nội các ngành này hơn là tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động.
PGS,TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường ĐHKTQD nhận định: NSLĐ của Việt Nam liên tục gia tăng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Vẫn còn khoảng cách khá lớn về mức NSLĐ giữa các ngành top đầu với các ngành còn lại trong nền kinh tế.
Do chỉ có khoảng hơn 2% lao động trong nền kinh tế làm việc trong top 4 ngành có mức NSLĐ cao nhất nên có thể nhận định rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến mức NSLĐ tổng thể của nền kinh tế thấp là hầu hết việc làm tập trung trong những ngành có mức NSLĐ thấp.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, NSLĐ chính là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 4-2-2020 về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất quốc gia.