Phát triển cây dược liệu tại vùng cao Bắc Hà
Những năm gần đây, thực hiện Dự án “Phát triển cây dược liệu huyện Bắc Hà, giai đoạn 2014 -2020”, diện tích cây dược liệu của huyện Bắc Hà đã được mở rộng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ nông dân. Đặc biệt, với việc mở rộng diện tích cây dược liệu được thực hiện trên cơ sở liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp đang là hướng phát triển tiềm năng, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp đồng bào vùng cao Bắc Hà xóa đói, giảm nghèo.Cây Atiso mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Bắc Hà
Năm 2019, huyện Bắc Hà thực hiện trồng 80 ha cây dược liệu với ba loại cây chủ lực chính là Atiso, Đương Quy và Cát Cánh, trong đó có 13 ha cây Atiso, trồng chủ yếu tại các xã Na Hối, Lùng Phình, Lầu Thí Ngài, đến nay bà con đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích, tất cả các sản phẩm qua sơ chế và chế biến, được công ty Trapaco Sa Pa tiêu thụ hoàn toàn, trong đó lá tươi thu được gần 300 tấn, mang về nguồn thu khoảng 700 triệu đồng; củ, thân cây được HTX Na Hối (xã Na Hối) chế biến thành cao loãng bán cho công ty cũng thu được trên 1,1 tỷ đồng. Theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện, giá trị kinh tế từ cây Atiso mang lại có thể đạt tới 140 triệu đồng/ha. Còn với cây Đương quy và cây Cát Cánh, đến nay bà con cũng đã thu hoạch được trên 90 % diện tích (đến hết ngày 12/02/2020 đã thu hoạch được sấp sỉ 350 tấn củ tươi, mang về nguồn thu hơn 7 tỷ đồng)…
Các hộ dân tham gia đã vào cuộc tích cực, nắm bắt được quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Kết quả thu hoạch, nhiều hộ dân đã có thu nhập tương đối cao trung bình từ 50 – 60 triệu đồng trở lên, trong đó có nhiều hộ thu trên 100 triệu đồng từ nguồn thu cây dược liệu.
Năm 2020, huyện Bắc Hà tiếp tục mở rộng, thực hiện trồng 90 ha cây dược liệu, trong đó nhà nước hỗ trợ 48 ha, nhân dân và doanh nghiệp tự thực hiện 42 ha. Đến thời điểm này, các xã đã hoàn thành trồng 100% diện tích. Cây Atiso đã cho thu hoạch lá đợt 2, cây Đương quy đã mọc được 1-2 lá, các hộ đang trồng dặm vào những diện tích cây bị chết.
Để hướng tới sự phát triển bền vững của cây dược liệu, huyện Bắc Hà đã chủ động ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng, mở rộng diện tích cây dược liệu. Từ đó đã khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, góp phần tích cực hỗ trợ phát triển trồng, chăm sóc, chế biến, kinh doanh cây dược liệu trên địa bàn.
Cây dược liệu tuy mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng được xét vào loại cây trồng khó tính. Sau hơn 10 năm thực hiện, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay huyện Bắc Hà đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm “quý” và quan trọng hơn cả là đã xác định được những khu vực, những xã phù hợp về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển mở rộng diện tích.
Trước đây, nguồn giống dược liệu được xem là khó khăn lớn của Bắc Hà, bởi giá cây giống cao, thị trường bấp bênh, phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp cây giống từ Trung Quốc. Nhưng đến nay, huyện đang nỗ lực trong hoàn thiện các quy trình cung cấp cây giống, hiện đã chủ động được 100% về giống Cát Cánh, 80% về giống cây Đương Quy, hiện đang hoàn thiện quy trình nhân giống cây Đan Sâm bằng rễ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Huyện Bắc Hà rất quan tâm đến việc phát triển cây dược liệu và coi đây là cây trồng chủ lực xóa nghèo “bền vững” cho người dân. Việc chuyển đổi một số loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu được đánh giá là phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và huyện Bắc Hà đang tận dụng để khai thác lợi thế này để ngày càng mở rộng diện tích trồng “cây thoát nghèo”.