Những “người hùng thầm lặng” ngoài đường phố khi cả xã hội đang cách ly để đề phòng dịch bệnh

Họ là những người làm công việc trồng và chăm sóc cây xanh, vệ sinh thu gom rác thuộc công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai. Công việc của họ nhìn vào rất đơn giản trong guồng quay của thời đại công nghệ 4.0 nhưng ẩn trong đó là sự nhọc nhằn với trăm nỗi khó khăn. Họ là những “người hùng” thầm lặng bảo vệ môi trường sạch đẹp, tạo cảnh quan cho xã hội, đường phố.

 

Trong những ngày này, người dân chấp hành rất tốt chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về việc cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, từ các con đường chính đến các nhánh đường ngõ xóm, đường phố trở nên vắng lặng hơn rất nhiều so với sự nhộn nhịp thường thấy trước đây khi dịch Covid-19 chưa diễn ra. Nhắc đến thành phố Lào Cai, người ta thường nghĩ đến đại lộ Trần Hưng Đạo, đường An Dương Vương, cửa khẩu Quốc tế, các trung tâm mua sắm giải trí… nhưng ít ai nhớ rằng để phố phường luôn sạch đẹp là nhờ bàn tay cần mẫn quét dọn của những người công nhân vệ sinh môi trường, công nhân trồng và chăm sóc cây xanh. Theo bước chuyển mình của thời gian, từ những cái nóng nực của mùa hè đến cái rét buốt của mùa đông nhưng các công nhân vẫn âm thầm với công việc trồng và chăm sóc cây xanh, giữ sạch và làm đẹp cho đường phố. Sáng sớm tinh sương hay chiều muộn, khi đường phố đã lên đèn, những công nhân vệ sinh môi trường lại lặng lẽ thu gom rác ra khu tập kết để chuyển lên xe ô tô đưa về bãi rác. Công việc của họ chừng như đơn giản nhưng ẩn trong đó là sự nhọc nhằn, vất vả trăm bề và những nguy hiểm luôn cận kề. Đặc biệt, trong cuộc chiến của cả nước chống dịch Covid-19 này thì thực sự, họ xứng đáng được cả xã hội tôn vinh là những “người hùng” thầm lặng bảo vệ môi trường sạch đẹp, tạo cảnh quan cho xã hội, đường phố.

 Khi toàn xã hội đang thực hiện cách ly theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ và những khuyến cáo của Bộ y tế thì những “người hùng” thầm lặng này vẫn miệt mài làm việc. Dọc các tuyến đường của thành phố Lào Cai vẫn luôn xuất hiện bóng dáng những công nhân trồng và chăm sóc cây xanh. Chị Lê Thị Hương – Tổ vỉa hè - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai chia sẻ, hàng ngày các anh chị công nhân đều đi làm từ 6h30’ sáng đến 11h00’, chiều từ 13h30’ đến 17h00’, bất kể trời nắng hay mưa, công việc luôn được duy trì đều đặn để đảm bảo cho đường phố luôn xanh, sạch, đẹp.

  

Mùa dịch nên đường phố vắng lặng hơn nhưng công việc của
 công nhân vệ sinh môi trường lại nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Với đặc thù công việc, mỗi ngày phải tiếp xúc trực tiếp với các nguồn rác thải, trong đợt dịch này, những công nhân vệ sinh môi trường phải đối mặt thêm với nguy cơ tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh có thể lây lan khi nguồn rác thải không được người dân phân loại đúng cách. Những công nhân thu gom, lái - phụ xe cẩu rác, công nhân làm việc trực tiếp trên bãi rác, tổ xử lý chất thải y tế là những người có khả năng bị lây nhiễm cao nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng họ vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ, bỏ vị trí làm việc của mình. Chị Đinh Thị Hà, Tổ 12 – Tổ xe điện Cam Đường, Công ty TNHH MTV  Môi trường Đô thị Lào Cai, cho biết mỗi ngày công việc của chị bắt đầu từ 5h00’ đến 9h00’ sáng và từ 17h00’ đến 21h00’, có khi về đến nhà thì đã 22h00’. Tùy vào lượng rác thải và công việc của mỗi ngày mà mỗi công nhân có thể kết thúc ca làm việc sớm hoặc muộn hơn nhưng luôn phải bảo đảm thu gom hết rác vào đúng vị trí tập kết và thời gian để các xe chuyên dụng đến chở đi.

Chị Hà cho biết vì đã quen với công việc nên chị cũng như các thành viên khác trong tổ chưa khi nào thấy buồn với những nhọc nhằn của công việc. Tuy nhiên hiện nay dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp cũng khiến công việc của chị thêm vất vả hơn.  Theo chị, việc đi làm để có tiền lương nuôi gia đình là chủ yếu nhưng đồng thời ngành nghề này không cho phép được dừng lại. “Từ khi có dịch Covid-19 xảy ra, công việc của chúng tôi vất vả hơn nhiều so với trước đây. Để phòng, chống dịch, các gia đình đã tăng cường quét dọn, vệ sinh nhà cửa, thay thế hoặc loại bỏ những vật dụng không cần thiết. Vì thế, lượng rác thải sinh hoạt đưa ra môi trường thời điểm này tăng hơn, chúng tôi càng phải làm thường xuyên để đảm bảo rác thải không bị ùn ứ trong khu dân cư, trên lòng đường, hè phố, cùng với đó lại thêm mối lo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, chị Hà chia sẻ. Chị tâm sự thêm, tuy công việc có vất vả nhưng mọi người đều rất hạnh phúc bởi vì nhiều người trong hoàn cảnh dịch bệnh này còn không có việc làm. “Tuy vất vả nhưng chúng tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào khi được khoác lên người chiếc áo công nhân vệ sinh môi trường, được góp phần làm sạch đẹp đường phố, bảo vệ môi trường”.

 

Ngay cả khi mưa gió, những “người hùng” vẫn không ngại ngần làm việc

Khi được hỏi về biện pháp phòng, chống dịch gắn liền với đặc thù nghề nghiệp và trong tình hình chung của toàn xã hội, chị Hà cho biết tuy có lo lắng nhưng vì tính chất công việc nên chị và các anh chị em công nhân khác vẫn đi làm bình thường. Hơn nữa các anh chị cũng rất vững tâm vì đã được Công ty trang bị đồ bảo hộ lao động, phát thêm khẩu trang, nước sát khuẩn để sử dụng trong mùa dịch. Cùng chung tay với cộng đồng chống dịch, để tự bảo vệ sức khỏe, chị cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân như đeo hai lớp khẩu trang, đeo thêm một lớp găng tay nilong bên ngoài găng tay bảo hộ thông thường, thường xuyên vệ sinh mũi, mắt bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn…

Không chỉ trong công việc, giây phút nghỉ ngơi của những người công nhân này cũng trở nên căng thẳng hơn giữa mùa dịch. Chị Lê Thị Hương – Tổ vỉa hè - Công ty THHH MTV Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, chị em công nhân chúng tôi cũng có lúc ngồi giải lao ở một góc vỉa hè, tháo nón, tháo khẩu trang, gỡ găng tay, uống ngụm nước, kể với nhau vài câu chuyện về cuộc sống. Nhưng từ khi có dịch Covid-19, khi nghỉ ngơi, chúng tôi cũng không dám tháo khẩu trang, găng tay, cũng chẳng ngồi gần nhau ở một chỗ mà ai ở vị trí nào ở nguyên vị trí đó. Bây giờ tôi đã quen với việc dùng nước rửa tay khô diệt khuẩn, súc họng bằng nước muối mỗi khi giải lao, tuy lỉnh kỉnh hơn một chút nhưng an toàn cho bản thân và gia đình nên tôi vẫn tuân thủ”.

Dịch Covid-19 bùng phát, theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, ai ở đâu ở yên đấy. Tuy nhiên, riêng các anh chị công nhân công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai vẫn miệt mài ngày đêm làm xanh, sạch, đẹp thành phố. Họ chính là những “người hùng thầm lặng” ngoài đường phố khi cả xã hội đang cách ly để đề phòng dịch bệnh xứng đáng để mỗi chúng ta ngợi ca và tôn vinh!

Cao Ánh Tuyết

Tin Liên Quan

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...