Ứng phó COVID-19 - chất xúc tác khiến Việt Nam chuyển đổi số nhanh hơn

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, rất nhiều biện pháp y tế cộng đồng đã nhanh chóng được triển khai hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu thế về mức độ người dân sử dụng điện thoại di động và mạng Internet cũng như thói quen dùng mạng xã hội để cập nhật, chỉ dẫn người dân ứng phó với đại dịch.

Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione. Ảnh: VGP

Đây là khẳng định của ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) khi phân tích về một trong những giải pháp mà Việt Nam đang triển khai để ứng phó với COVID-19.

Công cụ hiệu quả chỉ dẫn người dân phòng chống dịch

Trong ứng phó với dịch bệnh, “tốc độ” là vấn đề sống còn và điều này được minh chứng rõ nhất khi cả thế giới đang chống chọi với dịch COVID-19.

Ông Ousmane Dione cho rằng Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các biện pháp quyết liệt và là một trong số ít những quốc gia đang kiểm soát dịch bệnh khá hiệu quả. Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào liên quan tới COVID-19 mặc dù Việt Nam là một quốc gia giao thương khá rộng cả về thương mại và du lịch.

Thời gian qua, nhiều biện pháp y tế cộng đồng đã nhanh chóng được triển khai hiệu quả nhờ sự hỗ trợ với tốc độ cao của công nghệ thông tin (CNTT). Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu thế về mức độ người dân sử dụng điện thoại di động (150%) và mạng Internet (70%). Các thông tin và cảnh báo từ nhà chức trách về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thường xuyên được nhắn cho người dân và cập nhật trên các trang web và mạng xã hội. Một số ứng dụng trên điện thoại để khai báo y tế và theo dõi tình hình dịch bệnh cũng được sử dụng.

Những phương thức tiếp cận người dân kịp thời và liên tục chỉ là một trong rất nhiều ích lợi mà CNTT có thể mang lại trong bối cảnh dịch bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm, biện pháp “giãn cách xã hội” hay cụ thể là nỗ lực hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng để làm chậm và hy vọng dừng hẳn việc dịch bệnh lây nhiễm - được cho là một trong những phương thức hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa biên giới, hủy bỏ các hội nghị quan trọng, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân ở trong nhà.

Trong bối cảnh đó, CNTT với các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và giao hàng tận nơi là những hoạt động rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh. Người dân Việt Nam có thể thực hiện nhiều giao dịch trên mạng và họ tận dụng dịch vụ này triệt để hơn kể từ khi dịch bệnh nổ ra vào cuối tháng 1.

Bằng chứng là lượng truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin tiếp nhận và xử lý các dịch vụ công cơ bản của người dân tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Theo số liệu của Chính phủ Việt Nam, số lượt truy cập nhảy vọt từ 11 triệu lượt vào cuối tháng 1/2020 lên 28 triệu lượt vào cuối tháng 3. Trong tháng 3, số lượng các giao dịch trực tuyến được thực hiên thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng tăng gấp đôi, lên hơn 23.000 giao dịch.

Các trang thương mại điện tử phổ biến cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Kể từ khi Việt Nam công bố ca nhiễm đầu tiên, số lượng đơn đặt hàng trên trang thương mại trực tuyến Tiki đã bùng nổ, doanh thu bán hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ lớn cũng tăng vọt. Ví dụ như Saigon Co.op ghi nhận doanh thu trực tuyến tăng gấp năm lần trong tuần tiếp theo sau khi ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 23/1.

Phát triển công nghệ số giúp giảm thiểu sự gián đoạn khi “giãn cách xã hội”

Từ thực tế nêu trên, Giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị giữa giai đoạn khủng hoảng, Việt Nam có thể giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế hiệu quả hơn nữa nếu có hạ tầng kỹ thuật số được phát triển ở quy mô đầy đủ.

Tuy nhiên, trên đường trở thành một quốc gia số hiện đại, Việt Nam cần cải thiện một số vấn đề như: Xử lý trực tuyến phần lớn dịch vụ công, thay vì chỉ số ít dịch vụ như hiện nay; cần có hệ thống căn cước số đáng tin cậy để hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tài chính điện tử và các nền tảng khu vực tư nhân khác.

Việt Nam cũng cần cải thiện nền tảng học trực tuyến cho học sinh ở tất cả các bậc học để tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong trường hợp gián đoạn năm học do trường học đóng cửa;

Các bạn cũng cần có khả năng phân tích dữ liệu lớn (big data) để hỗ trợ theo dõi và dự báo y tế; cần rút gọn và thực hiện hiệu quả các thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và ODA, đây là các nguồn lực quan trọng để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế trong bối cảnh nhiều rủi ro.

Cùng với đó, cần phát triển chương trình bảo trợ xã hội trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm tiếp cận các đối tượng dễ tổn thương và các doanh nghiệp ở các vùng sâu vùng xa thông qua chuyển tiền điện tử.

Về điểm này, hiện nay, một dự án thí điểm do WB tài trợ đang thử nghiệm tại Cao Bằng. Qua dự án, hơn 2.600 đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng đã nhận được tiền trợ cấp hằng tháng thông qua điện thoại.

Người dân ở Cao Bằng nhận trợ cấp xã hội qua điện thoại di động.

Ông  Ousmane Dione đánh giá Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm đối với tiến trình chuyển đổi số qua nỗ lực xây dựng nhiều hệ thống chính phủ điện tử như Cổng Dịch vụ công quốc gia hay Trục liên thông văn bản quốc gia cùng nhiều sáng kiến khác đang được thực hiện để củng cố hệ thống giữa bối cảnh đại dịch là rất đáng ghi nhận.

Lãnh đạo WB cũng quan tâm đến việc Việt Nam cũng đang thử nghiệm ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mới được phê duyệt vào tháng 1 vừa qua.

Theo ông Ousmane Dione, dịch bệnh COVID-19 là bài kiểm tra đối với tất cả các hệ thống, từ cấp quốc gia cho tới cá nhân, cho thấy cả ưu điểm và khuyết điểm. Vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa từ các dịch vụ số và phải đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa tiến trình số hóa nhờ CNTT. Qua đó, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng bao trùm mà còn nâng cao năng lực đối phó giữa bối cảnh khủng hoảng, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của gián đoạn xã hội, giúp việc kết nối, làm việc hiệu quả hơn.

http://baochinhphu.vn/Quocte/Ung-pho-COVID19-chat-xuc-tac-khien-Viet-Nam-chuyen-doi-so-nhanh-hon/392290.vgp

theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Việt Nam – Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông

Sáng ngày 29/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm đã tiếp ông Arun Venkataraman, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ về Thị trường Toàn cầu và Vụ trưởng Dịch vụ Thương mại Hoa Kỳ và Nước ngoài. Cùng dự có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông...

Khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sainte-Adresse, Pháp

Trưa 6/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Sainte-Adresse dự lễ khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Tòa thị chính thành phố Saint-Adresse

Báo chí quốc tế bình luận về ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Báo chí quốc tế tuần qua đã có nhiều bài viết đánh giá tích cực về tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam cho LHQ

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Jean-Pierre Lacroix bày tỏ rất vui mừng với những đóng góp thiết thực của Việt Nam cho LHQ, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình, không chỉ vì những gì đã có mà còn ở tiềm năng tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và LHQ.

Tổng thống Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/9, giờ New York.

Truyền thông Mexico: Quan hệ Việt Nam - Cuba là hình mẫu của tình đoàn kết quốc tế

Những gì mà Việt Nam và Cuba dành cho nhau trong hơn nửa thế kỷ qua đã vượt qua khuôn khổ thông thường của một mối quan hệ song phương, bởi đó là mối quan hệ trước sau như một, trong sáng và sẻ chia giữa 2 nước anh em, bất chấp sự xa cách về địa lý cũng như mọi biến thiên của thời cuộc.