Lào hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nhằm đối phó Covid-19
Đối mặt tình hình kinh tế gặp nhiều ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Chính phủ Lào trong thời gian vừa qua đã áp dụng một số biện pháp về kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước để bù đắp những hàng hóa phải nhập khẩu trước đây như giảm lãi suất ngân hàng cho vay, dành nhiều ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kêu gọi người dân biến những khó khăn hiện nay thành cơ hội, thi đua tăng gia sản xuất các mặt hàng trong nước tự sản xuất được nhằm bù đắp những hàng hóa phải nhập khẩu trước đây.Mới đây, Bộ Công thương Lào đã khẩn trương giải ngân 100 tỷ kíp Lào và giao bốn ngân hàng thực hiện, đó là Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietBank) và Ngân hàng TNHH Sài Gòn Thương tín Lào (Sacombank Lào) mỗi ngân hàng 30 tỷ kíp Lào, 40 tỷ kíp Lào còn lại là hai ngân hàng khác. Nguồn vốn này nằm trong gói tài chính 200 tỷ kíp Lào hưởng lãi suất thấp mà Chính phủ Lào quyết định sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Lào từ nguồn quỹ thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp nguồn vốn lâu dài cho các doanh nghiệp này sử dụng làm vốn luân chuyển để mở rộng sản xuất và thuê nhân công, thay đổi máy móc, phương tiện, sử dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất sản xuất.
Bộ Công thương Lào cũng quy định việc giải ngân với mức trần cho các đối tượng khác nhau như doanh nghiệp siêu nhỏ không quá 1,5 tỷ kíp Lào, doanh nghiệp nhỏ không quá ba tỷ kíp Lào, doanh nghiệp vừa không quá bốn tỷ kíp Lào trên một hợp đồng với lãi suất 3%/năm. Việc giải ngân cũng chỉ áp dụng cho các lĩnh vực và khu vực ưu tiên như: công nghiệp chế biến, sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và du lịch.
Các ngân hàng thương mại được giao thực hiện và chịu trách nhiệm đối với các bước xem xét và thông qua quỹ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguồn quỹ thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thực hiện nhiệm vụ theo dõi và đánh giá kết quả và hướng dẫn các ngân hàng thương mại bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả, đúng mục đích, mục tiêu của quy đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc LaoVietBank, nhằm triển khai gói tín dụng 30 tỷ kíp Lào, LaoVietBank đã triển khai thống kê các ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhằm triển khai chính sách hiệu quả, điều chỉnh kế hoạch trả nợ, giảm kỳ hạn trả nợ và đặc biệt là đẩy mạnh chính sách giao dịch online nhằm hạn chế các giao dịch tại quầy mà theo thống kê, giao dịch online đã tăng khoảng 15% trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Phú, Tổng Giám đốc Sacombank Lào, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (Viet-Lao BACI) cho biết, Sacombank Lào đã nhanh chóng triển khai công tác tiếp thị, quảng bá đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp tại Lào. Trong khi đó, Viet-Lao BACI đã thông báo một số chính sách mới về kinh tế của Lào để các thành viên Hội có thể nhanh chóng triển khai tham gia nếu đủ điều kiện sử dụng nguồn tín dụng cũng như triển khai công tác để làm việc với Hội Doanh nghiệp trẻ Lào và Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Lào nhằm thực hiện chính sách của Bộ Công thương Lào.
Ngoài ra, theo thông tin từ Ngân hàng CHDCND Lào, nước này đã điều chỉnh chính sách tiền tệ, đặc biệt là giảm tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc tiền kíp Lào xuống 1% và tiền ngoại tệ xuống 2% để cho các ngân hàng thương mại có thêm nguồn vốn mở rộng tín dụng nhằm thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nước này cũng tập trung ưu tiên duy trì sự ổn định tiền tệ quốc gia, đặc biệt là việc quản lý tỷ lệ trao đổi một cách ổn định nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế Lào.