Việt Nam hợp tác khoa học, kỹ thuật, thương mại nông sản với Mỹ
Từ ngày 24/2 - 29/2, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT Việt Nam do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng đoàn sang Hoa Kỳ để tăng cường hợp tác, trao đổi thương mại nông sản Việt Nam- Hoa Kỳ.Xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được thị trường Mỹ nhập khẩu chính thức - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Tham gia đoàn công tác có 19 doanh nghiệp và 1 hiệp hội thuộc 5 nhóm sản phẩm như: ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi; sản phẩm thịt, sữa, thủy sản; rau quả; các sản phẩm gỗ và hóa chất, phân bón.
Theo chương trình công tác, đoàn sẽ tập trung khảo sát nguồn cung nông sản của Mỹ, ưu tiên nhập khẩu nông sản, công nghệ từ Mỹ phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước; tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp thúc đẩy thương mại các sản phẩm nông lâm thủy sản và kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp hai nước; tìm hiểu khả năng thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm phát triển các chuỗi sản xuất trong nước và làm việc với các cơ quan chức năng của Mỹ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước.
Quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ trong thời gian qua phát triển rất tốt đẹp, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước. Trong quan hệ thương mại, xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng trưởng ổn định từ 9,35 tỉ USD năm 2017 lên 14,37 tỉ USD năm 2019, tăng trên 53% sau 2 năm. Riêng với sản phẩm quả tươi, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam đã tăng từ 210 triệu USD lên 304 triệu USD (tăng 51%).
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN& PTNT luôn coi trọng và ưu tiên hợp tác khoa học, kỹ thuật, thương mại và đầu tư với các đối tác Mỹ về mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu với mục tiêu nâng tổng giá trị dự kiến lên khoảng 3 tỉ USD, tương đương trên 9 triệu tấn các sản phẩm như ngô, lúa mỳ, khô đậu nành, bột bã ngô… trong thời gian tới.
Cấp phép cho 460 doanh nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm thịt của Mỹ
Vào ngày 24/2, tại buổi làm việc với Ông Ted A. Mc Kinney, Thứ trưởng phụ trách Thương mại và Đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cấp phép cho 460 doanh nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm thịt, 210 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản của Mỹ sang Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã cho phép DN Mỹ xuất khẩu 6 loại quả tươi (bao gồm anh đào, lê, nho, táo, blueberry và cam) sang Việt Nam và đang tiếp tục xem xét, đánh giá rủi ro về kiểm dịch thực vật, an toàn sinh học với quả bưởi, xuân đào, mơ và mận để sớm cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Cục kiểm định Y tế động vật Mỹ (APHIS) nhanh chóng công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội và Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát được tham gia chương trình chiếu xạ quả tươi xuất khẩu sang Mỹ nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt chi phí vận chuyển quả tươi vào miền Nam để chiếu xạ; đồng thời cho phép bổ sung biện pháp xử lý hơi nước nóng (VHT) đối với mặt hàng quả tươi xuất khẩu sang Mỹ (bên cạnh biện pháp chiếu xạ) và hoàn tất các quy trình, thủ tục đánh giá rủi ro để quả bưởi của Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đồng thời đề nghị APHIS tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý đã được hai bên thống nhất, ngăn chặn triệt để các loại đối tượng kiểm dịch thực vật đi theo hàng hoá xuất khẩu sang Việt Nam và thống nhất chỉ cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng xuất khẩu sang Việt Nam khi kiểm tra và đảm bảo lô hàng đó không bị nhiễm đối tượng kiểm dich thực vật của Việt Nam.
Từ ngày 2/3- 13/3, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ cử đoàn sang Việt Nam tiến hành đánh giá giám sát định kỳ đối với “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”. Việt Nam cam kết hợp tác và luôn đảm bảo cá tra sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ luôn có chất lượng cao, an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị USDA tiếp tục hỗ trợ Bộ NN&PTNT tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về Chương trình thanh tra cá da trơn; đào tạo về phương pháp kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa học trong thủy sản của USDA. Đồng thời, hai bên sẽ xem xét và đàm phán ký kết một thỏa thuận thương mại song phương, tạo điều kiện để 2 nước dành ưu đãi cho các nhà đầu tư và kinh doanh trong nông nghiệp nói riêng và toàn bộ ngành kinh tế nói chung.