ASEAN khai trương Kho lưu trữ kỹ thuật số di sản văn hóa khu vực
Kho lưu trữ kỹ thuật số di sản văn hóa ASEAN ra đời với mong muốn các công dân ASEAN thấm nhuần sâu sắc ý thức khu vực và cùng chung tay thúc đẩy mạnh mẽ bản sắc ASEAN.Theo Cổng Thông tin ASEAN Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội Kung Phoak nhấn mạnh dự án ACHDA là “bước tiến quan trọng” của ASEAN nhằm nâng cao sự hiểu biết về các di sản văn hóa đa dạng của khu vực.
Phó Tổng Thư ký ASEAN bày tỏ hy vọng các công dân ASEAN sử dụng trang web này sẽ đánh giá cao các di sản văn hóa được chia sẻ, thấm nhuần sâu sắc ý thức khu vực và cùng chung tay thúc đẩy mạnh mẽ bản sắc ASEAN.
Về phần mình, Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Akira Chiba cho nay trang web ACHDA cho phép mọi người chiêm ngưỡng các di sản văn hóa khu vực một cách dễ dàng, ngay lập tức và mọi lúc mọi nơi.
Đại sứ Chiba nhấn mạnh ACHDA là một dự án sáng tạo mang lại lợi ích không chỉ cho ASEAN mà cho cả thế giới.
Trong giai đoạn đầu tiên, ACHDA giới thiệu hơn 160 mẫu vật đã được số hóa của Indonesia, Malaysia và Thái Lan, qua đó cho phép những người tham quan tìm hiểu sâu hơn về nhiều bộ sưu tập của các bảo tàng, phòng trưng bày và thư viện thông qua mô hình ba chiều (3D), các hình ảnh, bản ghi âm và video có giá trị về các di sản văn hóa của 3 nước nói trên.
Đáng chú ý, trong số các mẫu vật được số hóa có bản chép tay trường ca La Galigo của Indonesia được sáng tác vào thế kỷ 14. Đây là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận vào năm 2011.
Trang web cũng giới thiệu nghi lễ múa hát kịch truyền thống Mak Yong của Malaysia; bộ sưu tập các tủ mạ vàng của Thái Lan; một lượng lớn các bộ sưu tập bản viết tay trên lá cọ, nghệ thuật hiện đại và đương đại, bản khắc đá, tượng và điêu khắc, vũ khí và đồ trang sức bằng vàng…
Dự án ACHDA được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF). Giai đoạn đầu của dự án đã được khởi động vào đầu năm 2018. Mục tiêu của giai đoạn hai của dự án là số hóa các bộ sưu tập của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trước khi mở rộng tới các nước ASEAN còn lại./.