Chuyên gia: Thế mạnh ngoại giao giúp Việt Nam gặt hái thành công
Theo giáo sư Carl Thayer, "Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ ngoại giao có tính chuyên nghiệp cao, hiểu biết sâu rộng các vấn đề quốc tế cũng như chính trị trong nước."
Cờ Mỹ, cờ Triều Tiên và cờ Việt Nam được treo trên các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm
trong dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, đã có bài viết đánh giá về thế mạnh ngoại giao của Việt Nam và nguyên nhân giúp ngoại giao Việt Nam gặt hái được những thành công trên trường quốc tế.
Theo giáo sư Carl Thayer, "Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ ngoại giao có tính chuyên nghiệp cao, hiểu biết sâu rộng các vấn đề quốc tế cũng như chính trị trong nước."
Việc Việt Nam đã tổ chức thành công một loạt sự kiện quốc tế như Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên năm 2019 và trước nữa là Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ năm 1997, Hội nghị cấp cao ASEAN năm 1998 và năm 2010, duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng cũng như các đối tác lớn... là những bằng chứng cho thấy tính chuyên nghiệp cao của ngoại giao Việt Nam.
Không chỉ tổ chức thành công, Việt Nam còn có nhiều kinh nghiệm tại các hội nghị quốc tế như Hội nghị Geneva năm 1954, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh và khôi phục Hòa bình ở Việt Nam năm 1973 và Hội nghị Quốc tế Paris về cuộc xung đột ở Campuchia năm 1991.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng “có 3 con đường chính” giúp duy trì và phát huy uy tín cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đó là giáo dục-đào tạo, tự thẩm định, thúc đẩy độc lập và tự chủ của Việt Nam.
Về những lợi thế và thách thức đối với Việt Nam khi đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN, theo ông, Việt Nam đã đề ra chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cùng 5 mục tiêu chính: tăng cường đoàn kết và thống nhất trong ASEAN; tăng cường tính kết nối và hội nhập kinh tế của ASEAN; thúc đẩy nhận thức và bản sắc ASEAN; tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu của ASEAN vì hòa bình; ổn định và phát triển bền vững; cũng như nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế ASEAN.
Chủ tịch ASEAN phải tuân thủ "Lộ trình ASEAN," thúc đẩy đối thoại và đồng thuận trên cơ sở hòa bình cho tất cả mọi người. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Chủ tịch ASEAN là xúc tiến đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà Trung Quốc là một bên liên quan với tính tương thích, hiệu quả và ràng buộc đối với tất cả các bên.
Về việc Việt Nam đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh một lợi thế của Việt Nam là các thành viên thường trực sẽ vận động Việt Nam bỏ phiếu về nhiều vấn đề.
Việc Việt Nam đồng thời là Chủ tịch ASEAN sẽ gia tăng uy tín cho Việt Nam. Nếu Việt Nam có lập trường độc lập trong các vấn đề lớn, vai trò của Việt Nam sẽ được coi trọng và điều này sẽ giúp Việt Nam gia tăng ảnh hưởng.
Nếu áp dụng lập trường chủ động đối với một số vấn đề nhất định, Việt Nam có thể xây dựng quan hệ với các thành viên không thường trực khác, nhờ đó có thể tác động đến từ ngữ trong các nghị quyết về các vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh thế giới./.