Bắc Hà: Bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững

Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng..., Bắc Hà có nhiều cơ hội để phát triển du lịch. Với quan điểm phát triển du lịch bền vững, thời gian qua, huyện Bắc Hà rất chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển du lịch.

Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ được tổ chức có sự góp mặt biểu diễn của các nghệ nhân nhảy lửa đến từ các xã tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương và du khách dịp đầu xuân năm mới. Ông Bàn Văn Ton, nghệ nhân nhảy lửa ở thôn Nậm Đét (xã Nậm Đét) cho biết: Lễ hội Nhảy lửa là một trong những nghi thức quan trọng của người Dao đỏ, vừa có ý nghĩa giáo dục cho cộng đồng dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vừa gắn với yếu tố tâm linh, cầu phúc, cầu may đầu năm mới.

Lễ hội nhảy lửa được tổ chức quy mô cấp huyện thu hút người dân và du khách đến xem.

Huyện Bắc Hà là nơi quần tụ của 14 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 50%, ngoài ra còn có các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Phù Lá... Lễ hội là một trong những nét đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Mỗi lễ hội lại được coi như “bảo tàng sống”, tái hiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Chính điều này đã thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài tìm đến Bắc Hà với mong muốn được tìm hiểu và khám phá các phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Hiểu được điều này, hằng năm, huyện Bắc Hà đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... gắn với các hoạt động du lịch nhằm thu hút du khách, đồng thời khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Có thể kể tới một số lễ hội truyền thống độc đáo, thể hiện nét sinh hoạt, văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào các dân tộc như lễ hội nhảy lửa, lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ; lễ hội Say sán của dân tộc Mông; lễ hội Xuống đồng của dân tộc Tày... Đặc biệt, Giải đua ngựa truyền thống được tổ chức vào tháng 6 hằng năm đã trở thành thương hiệu của cao nguyên trắng Bắc Hà.

Du khách Nguyễn Thị Định (tỉnh Quảng Ninh) hứa hẹn: Tôi đã nghe mọi người kể về Giải đua ngựa truyền thống ở Bắc Hà nhưng chưa có dịp tận mắt chứng kiến, nhất định vào mùa hè năm nay, tôi và gia đình sẽ trở lại Bắc Hà để xem đua ngựa.

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà.

Bên cạnh việc tổ chức lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động du lịch, huyện Bắc Hà còn đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch nhằm níu chân du khách. Huyện đã triển khai xây dựng được 9 sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó có giải đua ngựa truyền thống; chợ đêm Bắc Hà; lễ hội truyền thống; mô hình du lịch cộng đồng (homestay) gắn với các làng nghề truyền thống; hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút khách tới tham quan, nghỉ dưỡng ở các xã: Bản Phố, Tà Chải, Na Hối, Thải Giàng Phố, Bảo Nhai... Trên địa bàn huyện hiện có 4 di tích, danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia, gồm: Đền Bắc Hà, đền Trung Đô, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng, động Thiên Long (xã Tả Van Chư) và 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là múa xòe của dân tộc Tày ở xã Tà Chải.

Ngoài việc trùng tu, sửa chữa các di tích, bảo vệ danh lam, thắng cảnh, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể múa xòe được huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay, huyện đã thành lập 128 đội văn nghệ dân gian tại các thôn, bản. Tuy nhiên, các đội văn nghệ chủ yếu hoạt động ở các xã đang phát triển du lịch cộng đồng như Na Hối, Tà Chải, Bản Phố. Để duy trì hoạt động các đội văn nghệ dân gian, từ năm 2015, huyện Bắc Hà dành 200 triệu đồng mỗi năm để hỗ trợ các diễn viên, nghệ nhân tham gia biểu diễn văn hóa, văn nghệ ở chợ đêm Bắc Hà tổ chức vào tối thứ Bảy hằng tuần.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Thông qua việc xây dựng các điểm, tuyến và các sản phẩm du lịch, lượng khách du lịch đến Bắc Hà tăng qua từng năm. Năm 2019, khách du lịch tới Bắc Hà ước đạt khoảng 480 nghìn lượt, tăng 80 nghìn lượt so với năm 2018. Doanh thu từ du lịch cũng tăng từ 320 tỷ đồng (năm 2018) lên 430 tỷ đồng (năm 2019). Đây là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự cố gắng của nhân dân trên địa bàn huyện, trong đó nổi bật là việc triển khai thực hiện Đề án số 6 của UBND huyện về “Phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa giai đoạn 2016 - 2020”.

Với lợi thế về văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn, Bắc Hà có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng... Tuy nhiên, để bản sắc văn hóa các dân tộc phát triển gắn với du lịch bền vững, ngoài những nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền huyện, rất cần người dân tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, qua đó thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.                  

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai giành 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2024

Chiều 1/11, tại tỉnh Sơn La, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29, năm 2024.

Tiệm tranh nhỏ miền sương mây

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).