Những dấu mốc năm Tý trong lịch sử dân tộc
Trong lịch sử bảo vệ, xây dựng và phát triển, đất nước ta đã trải qua những cột mốc quan trọng, trong đó có những dấu ấn đặc biệt diễn ra vào những năm Tý. Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, chúng ta điểm lại những năm Tý in đậm dấu ấn bước ngoặt của dân tộc.Mùa Xuân Canh Tý năm 40-Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa
Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 2 năm 40, Trưng Trắc, Trưng Nhị chính thức phát động khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa được nhân dân ủng hộ đã đánh đổ ách cai trị của nhà Hán, dựng nên nền độc lập đầu tiên cho người Việt.
Đây là cuộc khởi nghĩa chống sự cai trị của phong kiến phương Bắc đầu tiên của người Việt trong 1000 năm Bắc thuộc. Hai Bà Trưng đã dựa vào nhân dân khôi phục nghiệp cũ của Vua Hùng, đồng thời phủ nhận cường quyền của các triều đại phương Bắc.
Năm Giáp Tý 544: Thành lập nước Vạn Xuân
Tháng Giêng năm Giáp Tý (tức tháng 2/544), sau khi chiến thắng quân Lương, Lý Bí tuyên bố dựng nước độc lập lấy quốc hiệu “Vạn Xuân”. Ông lên ngôi Hoàng đế-Lý Nam Đế, đóng đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay).
Lý Nam Đế tiến hành củng cố kinh tế, phát triển văn hóa, xây dựng chính quyền và pháp luật.
Trận Bạch Đằng tháng 4/1288
Năm Mậu Tý 1288: Trận Bạch Đằng lừng lẫy
Sau 2 lần thất bại (năm 1258, 1285), cuối năm 1827, vua Nguyên-Mông là Hốt Tất Liệt cử con trai là Thoát Hoan thống lĩnh đại quân 50 vạn người xâm lược Đại Việt lần thứ ba.
Cho rằng điểm yếu lớn nhất là thiếu lương thực, lần này Thoát Hoan cho Trương Văn Hổ chỉ huy đoàn thuyền mang lương thực vào nước ta bằng đường biển với sự yểm trợ của đại tướng Ô Mã Nhi.
Sau khi đoàn thuyền chở lương của Trương Văn Hổ bị tiêu diệt tại Vân Đồn, Quảng Ninh (tháng 1/1288), cùng quẫn vì thiếu lương thảo, giặc phải rút về nước, một trong những đường rút quân của chúng là theo sông Bạch Đằng. Lúc này Hưng Đạo Vương sai tướng quân Nguyễn Khoái chặt gỗ, đẽo đầu nhọn cắm xuống lòng sông và mai phục chờ giặc.
Ngày 9/4/1288, thủy quân Nguyên-Mông tiến vào sông Bạch Đằng. Đích thân Thượng hoàng Trần Thánh Tông, Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy quân Đại Việt đánh giặc. Quân Nguyên bị đánh tơi bời; nhiều chiến thuyền bị bãi cọc đâm thủng… khiến chúng đại bại.
Trận Bạch Đằng là trận quyết chiến lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 3 của quân dân Đại Việt, khiến nhà Nguyên phải hoàn toàn từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta.
Đông tiền giấy "Thông bảo hội sao" thời nhà Hồ (bản vẽ lại). Nguồn: zing.vn
Năm Bính Tý 1396: Nhà Hồ lần đầu tiên ban hành tiền giấy
Thời phong kiến, mỗi triều đại thường cho đúc một loại tiền riêng bằng kim loại (tiền đồng, tiền kẽm, tiền sắt) và có cả tiền giấy như: “Thái bình thông bảo” (thời nhà Đinh) và “Thiên phúc trấn bảo” (thời Tiền Lê).
Đến thời nhà Hồ, vào năm Bính Tý 1396, nhà nước ban hành đồng tiền giấy có tên gọi là “Thông bảo hội sao”. Khi in xong, nhà Hồ hạ lệnh cho mọi người đem tiền đồng đến đổi lấy tiền giấy và cấm hẳn tiền đồng.
Mặc dù sau đó thất bại do chưa phù hợp với điều kiện lịch sử-xã hội, song chính sách sử dụng tiền giấy của nhà Hồ được coi là rất tiến bộ, giúp tiết kiệm kim loại (đồng, sắt) và làm cho việc sử dụng tiền tệ thuận lợi.
Năm Giáp Tý 1804: Nhà Nguyễn đặt quốc hiệu “Việt Nam”
Tháng 2, năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long chính thức lấy quốc hiệu nước ta là Việt Nam.
Mộc bản triều Nguyễn-sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 13- có khắc: Ngày Đinh Sửu, vua đem việc cáo Thái miếu. Lễ xong, vua ngự ở điện nhận lễ chầu mừng. Xuống chiếu bố cáo khắp trong ngoài: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước… Sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới, nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”. Lại hạ chiếu báo các nước Xiêm La, Lữ Tống và các thuộc quốc Chân Lạp, Vạn Tượng, khiến cho đều biết.
Năm Mậu Tý 1948: Hồ Chủ tịch kêu gọi thi đua yêu nước
Sau chiến thắng Việt Bắc- Thu Đông năm 1947, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến, kiến quốc, để động viên đồng bào, chiến sĩ vượt qua mọi hy sinh, gian khổ hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc mà trước mắt là nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc.
Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người đăng trên báo Cứu quốc số 968, ngày 24/6/1948 đã lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tạo sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi vẻ vang.
Năm Canh Tý 1960: Thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (Tây Ninh), Ðại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, đánh dấu mốc son quan trọng của ý chí đại đoàn kết dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau đó, Mặt trận cùng với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam hiệp thương thống nhất, tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam (tháng 6/1969) để cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lãnh đạo quân, dân miền Nam đấu tranh làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Thắng lợi của quân dân miền Nam cùng với thắng lợi của quân, dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta vào năm 1973.
Năm Nhâm Tý 1972: Chiến thắng ‘Điện Biên Phủ trên không’
Tính đến tháng 10/1972, sau những thất bại ở cả hai miền Nam, Bắc cũng như sự bế tắc trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, chính quyền Mỹ quyết định “nước cờ cuối cùng” bằng việc mở đợt tập kích bằng máy bay chiến lược B52 ném bom miền Bắc nước ta hòng giành lợi thế.
Ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52, mang tên Linebacker II, vào Hà Nội và Hải Phòng.
Cuộc tập kích bằng máy bay B52 của Mỹ bắt đầu từ 19 giờ 20 phút ngày 18/12 kéo dài đến ngày 30/12/1972. Trong 12 ngày đêm ấy, cuộc đối đầu giữa quân và dân miền Bắc với đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt.
Quân và dân ta bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111, giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng - là cố gắng cao nhất của Mỹ trong năm 1972, cũng như trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.
Thắng lợi này của quân dân miền Bắc được mệnh danh là "Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không".
Năm Giáp Tý 1984: Việt Nam ghi tên trên bản đồ dầu khí thế giới
Ngay từ khi thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt -Xô (Vietsopetro, năm 1981), công tác khảo sát địa vật lý tổng hợp đã được Liên đoàn Địa vật lý biển Viễn Đông Liên Xô thực hiện.
Ngày 25/12/1983, tàu Mikhain Mirchin khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và 5 tháng sau, ngày 24/5/1984, phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên. Lễ đốt đuốc mừng dòng dầu công nghiệp đầu tiên đã được tố chức ngay cùng ngày trong niềm vui lớn, đánh dấu Việt Nam ghi tên trên bản đồ dầu khí thế giới.
Ngày 3/6/1984, lễ mừng công tìm thấy dầu tại thềm lục địa Việt Nam được tổ chức long trọng tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của ngành dầu khí Việt Nam.
Năm Mậu Tý 2008: Việt Nam khẳng định chủ quyền trong không gian vũ trụ
Khởi động từ năm 1998 với mức đầu tư hơn 300 triệu USD, Vinasat-1, vệ tinh địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam đã sẵn sàng “lên đường vào vũ trụ” sau khi đàm phán thành công với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ để có được vị trí 132 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh.
Ngày 19/4/2008, từ đảo Guyana (thuộc Pháp), Vinasat-1, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam đã được phóng lên quỹ đạo thành công.
Ngoài ý nghĩa kinh tế, việc phóng vệ tinh Vinasat-1 còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian và nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế khi trở thành nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á có vệ tinh riêng bay vào quỹ đạo.
Năm Canh Tý 2020: Cả nước bước vào Xuân mới với những thành tựu kinh tế to lớn, ổn định chính trị và những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ.
Trong năm 2020, nhân dân ta chào đón nhiều lễ kỷ niệm trọng đại: 90 năm thành lập Đảng (3/2), 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), 75 thành lập nước (2/9) và 1010 năm Thăng Long-Hà Nội (10/10).
Cùng với những sự kiện này, trên cả nước sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm 2021./.
http://baochinhphu.vn/Van-hoa/Nhung-dau-moc-nam-Ty-trong-lich-su-dan-toc/385879.vgp