10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2019
50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, công tác tham mưu của hệ thống tuyên giáo thể hiện rõ phương châm “đi trước mở đường”, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh,…là những sự kiện trong nước nổi bật năm 2019 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.
1 - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)
Pano kỷ niệm 50 năm thực hiện di trúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 2019, chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019). Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết một lòng, kiên định đi theo con đường Cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Chỉ với hơn 1.000 từ nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi rọi dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam; sức mạnh của chính nghĩa và chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do"; sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà tổ chức thiên tài đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. 50 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác đất nước được độc lập thống nhất cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Học tập và làm theo Bác chúng ta nguyện trung thành, kiên định với sự nghiệp cách mạng của Người; kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng.
2 – Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực
Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về nội dung này.
Trong đó chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền; các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức chạy quyền và chế tài xử lý hành vi bao che tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Việc thực thi Quy định 205 trong bối cảnh chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng góp phần lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ vào bộ máy lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.
3- Công tác tham mưu của hệ thống tuyên giáo thể hiện rõ phương châm “đi trước mở đường”
Đồng chí Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019. (Ảnh minh họa: TTXVN ) |
Công tác tuyên giáo năm 2019 đã hoàn thành tốt khối lượng công việc lớn, trong đó có những nhiệm vụ hệ trọng, nặng nề, chưa có tiền lệ, có tính nhạy cảm chính trị sâu sắc; góp phần quan trọng tạo sự nhất trí cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy động lực tinh thần, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu lớn năm 2019. Công tác tham mưu của hệ thống tuyên giáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy Đảng thể hiện rõ phương châm “đi trước mở đường” cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mau chóng đi vào đời sống xã hội.
Ngành Tuyên giáo đã chủ động hơn trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn với nhiều đổi mới và đạt hiệu quả thiết thực. Công tác khoa giáo được triển khai bài bản, đồng bộ, chất lượng, có chuyển biến rõ nét; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch có nhiều chuyển biến, đạt những kết quả tích cực.
4 - Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp 15 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. (Ảnh: Hiền Hòa) |
Năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, không có vùng cấm. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất. Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật đều phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.
Kể từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng (Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Ban Thường vụ Đảng uỷ Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc). Trong năm qua, hàng loạt cán bộ, kể cả lãnh đạo cấp cao tiếp tục bị xử lý kỷ luật, thậm chí có trường hợp bị khởi tố.
5 - Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
(Ảnh soha.vn)
Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau lần đầu nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Theo kết quả bỏ phiếu, có tổng cộng 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ủng hộ Việt Nam vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ áp đảo như vậy đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an có 15 nước ủy viên, trong đó 5 ủy viên thường trực và 10 ủy viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ hai năm. Đây là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại các mối đe dọa đối với hoà bình hoặc phá hoại hoà bình và đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.
6 - Thể thao Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 30
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các VĐV đoạt thành tích tại SEA games 30.
(Ảnh Chinhphu.vn )
Sau 11 ngày tranh tài trên đất Philippines, Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành vượt xa chỉ tiêu khi đạt tổng cộng 98 Huy chương Vàng, 85 Huy chương Bạc và 103 Huy chương Đồng, xếp thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương - chỉ sau đoàn chủ nhà Philippines.
Đặc biệt, Đội tuyển Bóng đá U22 Việt Nam, Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đã giành huy chương vàng tại SEA Games 30.
Chiến thắng của hai đội tuyển bóng đá không chỉ là chiến thắng thể thao mà còn là chiến thắng của tinh thần yêu nước, tinh thần Việt Nam, chiến thắng của sự đoàn kết, quyết tâm, là ý thức trách nhiệm lớn trước hàng triệu người dân yêu nước...
Thành tích trên thể hiện sự lớn mạnh không ngừng của thể thao Việt Nam, sự tập trung đầu tư đúng hướng, có trọng tâm trọng điểm của thể thao Việt Nam. Điều đó cũng thể hiện ý chí Việt Nam, khát vọng Việt Nam, quyết tâm Việt Nam vươn tới đỉnh cao thể thao. Để đạt điều đó, chúng ta đã giữ được đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, đặc biệt là sự trung thực, cao thượng của thể thao Việt Nam để lại dấu ấn cho người xem trên thế giới và khu vực. Kết quả thi đấu cũng thể hiện rõ trình độ chuyên môn, uy tín, năng lực của điều hành, phát triển thể thao Việt Nam.
7- Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2019 .
(Ảnh chinhphu.vn )
Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 đã trở thành ngày hội văn hoá chan hoà tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hoà bình, đoàn kết và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của đức Phật-bậc minh triết được Liên hợp quốc suy tôn và nhân loại ngưỡng mộ, là nơi gặp gỡ đẹp nhất của những người con Phật và những người yêu quý đạo Phật.
Đại lễ Vesak năm 2019 được tổ chức trọng thể, trang nghiêm với sự tham gia của trên 3000 đại biểu đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng chục nghìn tăng, ni, phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi đã thành công viên mãn.
Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam, một lần nữa ngọn cờ nhân văn hoà bình, hữu nghị và hợp tác của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lại được gương cao và tung bay trong nắng vàng tươi đẹp của Việt Nam - đất nước yêu chuộng hoà bình, nhằm tiếp tục kết nối sức mạnh, tình đoàn kết, gắn bó, tinh thần nhập thế và sự nỗ lực cùng nhau hành động của những người con Phật trên khắp thế giới, vì hoà bình, hợp tác và tiến bộ xã hội. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật. Các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành cùng dân tộc.
8 - Việt Nam thực hiện tốt vai trò chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội. (Ảnh VOV)
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 được đánh giá là sự kiện chính trị đối ngoại có ý nghĩa to lớn, có tầm quan trọng đối với Việt Nam, Mỹ, Triều Tiên và các nước trên thế giới, thu hút sự quan tâm của nhân dân, truyền thông trong nước cũng như thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình duy trì ổn định, hòa bình, hợp tác và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên; thể hiện vai trò của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định, hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới; tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam đảm nhận vai trò lớn hơn trên các diễn đàn quốc tế trong thời gian tới.
Dư luận quốc tế đã đánh giá Việt Nam là nước thành công nhất, được lợi nhiều nhất từ sự kiện này. Đây là thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam, giúp củng cố vị thế và vai trò mới trong khu vực, có ý nghĩa lớn về mặt chính trị và chiến lược khi thể hiện được hình ảnh đẹp của một quốc gia đang phát triển ngày càng thịnh vượng, mở cửa, mến khách, sẵn sàng làm trung gian hòa giải, đóng góp cho hòa bình thế giới.
9 - Việt Nam - EU ký Hiệp định thương mại tự do
Việt Nam - EU ký Hiệp định thương mại tự do. (Ảnh: Bộ công thương)
Cũng trong năm 2019, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) sau 9 năm đàm phán. Cùng với EVFTA, EVIPA, vị thế của Việt Nam sẽ được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia có đóng góp to lớn, có trách nhiệm cho sự phát tiển của toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại nhưng trên cơ sở có tính đến điều kiện phù hợp để bảo vệ lợi ích của các nước tham gia. Đặc biệt, là phù hợp với trình độ phát triển và sự chênh lệch của các đối tác cùng tham gia hiệp định.
EVFTA mở ra cơ hội lớn cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU, là hiệp định thương mại tham vọng nhất EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể. Theo tính toán, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân 4-6% một năm trong 10 năm đầu kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định IPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư và sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam. Hiệp định này khi có hiệu lực sẽ tạo ra khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.
10- Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng
Ô nhiễm không khí ở thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng.
(Ảnh vnexpress.net )
Trước việc chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đang gây lo lắng trong cộng đồng.
Thời gian qua Tổng cục Môi trường liên tục có những thông báo về việc mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều đô thị, trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng lên; chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều khoảng thời gian tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu, giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 tại các thành phố có xu hướng tăng.
Tổng cục Môi trường cũng nhiều lần cảnh báo mọi người, kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian gần đây, đặc biệt là trong tháng 9/2019, vấn đề chất lượng không khí của các đô thị lớn như Hà Nội và TP .Hồ Chí Minh đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở mức kém, ở TP Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn. Việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hoá đã gây những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.
Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội đo được trong khoảng thời gian từ ngày 12-29/9 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng trong thời gian từ ngày 12-17/9/2019, sau đó giảm từ ngày 18-22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23-29/9. Trong các ngày từ 15-17/9 và 23-29/9 có đến trên 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố mang tính chu kỳ vào khoảng 6 – 7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Năm nay, hiện tượng này đã xảy ra trong thời gian từ ngày 18-22/9.
Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở này và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận, từ ngày 1-23/9 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí, tuy nhiên nồng độ bụi PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.