Những kết quả nổi bật sau 30 năm thu hút đầu tư

Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), tỉnh Lào Cai đã có 61 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 623,5 triệu USD và được đánh giá là một tỉnh khá thành công về thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ở khu vực Tây Bắc.

Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 554,1 triệu USD, trong đó có 08 dự án thuộc lĩnh vực du lịch - dịch vụ; 15 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp – xây dựng cơ bản; 04 dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Các dự án chủ yếu tập trung khai thác các lĩnh vực thế mạnh, lợi thế của tỉnh về khu kinh tế cửa khẩu; du lịch dịch vụ; khai thác và chế biến khoáng sản,… Trong đó một số dự án có tính trọng điểm, nguồn vốn đầu tư lớn như: Dự án Khách sạn Aristo, dự án Khách sạn Victoria, dự án Khu nghỉ dưỡng Topas, dự án Khai thác mỏ sắt Quý Sa và xây dựng nhà máy gang thép Việt - Trung; dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Séo Chung Hô, dự án Trồng chè ô long Lợi Sơn Điền, dự án Rau sạch của Nông Liên Đài Loan,…


 Khách sạn Aristo - một trong những dự án FDI tại Lào Cai.
 

Mật độ phân bố của các dự án FDI không đồng đều, chủ yếu tập trung tại thành phố Lào Cai, thị trấn Sa Pa và các khu công nghiệp của tỉnh. Các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội và triển khai thực hiện các dự án FDI chủ yếu đến từ Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Pháp. Tiến độ triển khai và chất lượng thực hiện dự án FDI trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt được nhiều kết quả khả quan, vốn đầu tư giải ngân tăng mạnh qua các năm. Đến hết năm 2016, tổng vốn đầu tư giải ngân của các dự án FDI ước đạt 405 triệu USD bằng 72,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đã có 24 dự án đã hoàn thành công tác giải ngân, đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, 03 dự án đang tiến hành giải ngân theo kế hoạch.

Doanh thu và đóng góp vào ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng cao. Tổng doanh thu từ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh ước đạt 25.783 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp FDI ước đạt 2.006 tỷ đồng (giai đoạn 2006 đến nay doanh thu gấp 2,92 lần, nộp ngân sách nhà nước gấp 2,3 lần giai đoạn 2001 - 2005). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 183,2 triệu USD, tổng thu thuế, phí liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 670,3 tỷ đồng. Số lượng lao động trong các doanh nghiệp FDI tăng mạnh qua các năm. Hiện tại có khoảng 3.500 lao động hoạt động trong các doanh nghiệp FDI, tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp FDI lớn, hoạt động hiệu quả như: Công ty Khách sạn Victoria Sa Pa; Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung,... Thu nhập bình quân của lao động trong khu vực FDI tại Lào Cai tăng mạnh qua các năm, năm 2016 đạt 6.8 triệu đồng/người/tháng, cao cao gấp 1,9 lần so với năm 2010, gấp 2,9 lần so với năm 2006.

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, trong những năm qua, địa phương đã không ngừng đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và Nhà đầu tư. Chuyển nhận thức và hành động từ “Quản lý doanh nghiệp” thành “Phục vụ doanh nghiệp”. Xây dựng cơ chế và thực hiện việc giám sát chặt chẽ các hoạt động của các sở, ngành, địa phương trong việc tiếp xúc, giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.

Lào Cai đang thu hút các dự án đầu tư trên các lĩnh vực: công nghiệp chế biến sâu các loại khoáng sản trên địa bàn (Apatit, đồng, sắt...) gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; các dự án đầu tư về thương mại hàng hóa thương mại dịch vụ, xúc tiến thương mại, gia công đóng gói, lắp ráp hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, trọng tâm là khu thương mại công nghiệp Kim Thành; các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao tại Sa Pa, các dự án đầu tư khu đô thị mới, nhà ở thương mại, các dự án chế biến nông sản (dứa, chuối, chè chất lượng cao, thu mua, sơ chế lá thuốc lá, trồng rau an toàn, trồng hoa, dự án trồng rừng gắn với chế biến; dự án chế biến thức ăn gia súc,…)./.
Thanh Thương

Tin Liên Quan

UBND tỉnh Lào Cai và VCCI hợp tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chiều 28/3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Lào Cai và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giai đoạn 2024 - 2029.

Nhìn lại chỉ số PCI Lào Cai 2022

Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Lào Cai đạt 68,2 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất (xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2021).

Phấn đấu đưa PCI tỉnh Lào Cai trong tốp 10 cả nước

Đó là mục tiêu mà tỉnh Lào Cai đặt ra trong Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trưòng kinh doanh gắn với cải thiện chỉ số PCI, DDCI năm 2023 và quý I/2024.

CPI tháng 4 của Lào Cai giảm 0,59%

Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào và giá thép xây dựng, gas, các loại chất đốt khác giảm là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 giảm.

Tăng 43 bậc, Lào Cai xếp thứ 9 toàn quốc về Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS)

Sáng 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ tư trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi...

Lào Cai xếp thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Sáng 27/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021.