Chuyển đổi số - cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP Lào Cai

Để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sản phẩm OCOP trên Sàn Thương mại điện tử Lào Cai

Kết nối thông tin và chuyển đổi số phục vụ quảng bá và xúc tiến sản phẩm OCOP

Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Lào Cai có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…); 100% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử; phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tham gia các Hội chợ OCOP thường niên và Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/xã một sản phẩm được tổ chức hằng năm nhằm đưa các sản phẩm được chứng nhận OCOP đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ tích cực công tác quản lý Nhà nước, kết nối thông tin và chuyển đổi số. 100% các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên được hỗ trợ bổ sung Logo OCOP vào bao bì sản phẩm, 80% chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP có Website riêng phục vụ quảng bá và xúc tiến thương mại điện tử.

Tỉnh Lào Cai cũng phấn đấu trong giai đoạn 2022- 2025 có ít nhất 240 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30 sản phẩm). Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 60% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 20% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 20% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Để sản phẩm OCOP Lào Cai vươn xa

Tính đến tháng 9/2022, tỉnh Lào Cai đã có 142 sản phẩm nông sản đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao, 113 sản phẩm đạt 3 sao; hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã với gần 300 sản phẩm đã gắn tem truy xuất nguồn gốc QR-Code; hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá trên hệ thống thương mại điện tử…

Lào Cai đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP, thời gian qua Lào Cai đã tăng cường xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức mới gắn với công nghệ số trong việc quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng như: Phối hợp với Bưu điện tỉnh Lào Cai đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart, Vỏ Sò; Triển khai hệ thống xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ trong và ngoài tỉnh; Xây dựng các điểm bán hàng OCOP, cập nhật thông tin trên hệ thống xúc tiến thương mại, hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản... Các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP cũng đã chủ động đầu tư cải tiến mẫu mã, bắt nhịp nhu cầu chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên sàn…Nhờ thế mà Chương trình OCOP đã lan tỏa đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ du lịch trên toàn tỉnh.

Để tiếp tục đưa sản phẩm OCOP Lào Cai vươn xa, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai triển khai đồng bộ các giải pháp sau: Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP; Triển khai thực hiện Chu trình OCOP; Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; Quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình; Tăng cường chuyển đổi số; Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP; Triển khai các dự án thành phần.

Trong đó, để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh sẽ chú trọng thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm; xây dựng các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số (sàn thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hội chợ và triển lãm thực tế ảo OCOP); hình thành Trung tâm giới thiệu OCOP đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn. Tăng cường áp dụng công nghệ số trong tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tiếp tục vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu OCOP để quản lý và giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý, giám sát, thúc đẩy kết nối cung - cầu sản phẩm.

Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương. Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP. Ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng. Ứng dụng triệt để các nội dung của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), đặc biệt thực hiện các ứng dụng công nghệ của Nông nghiệp 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong Chương trình OCOP. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho thanh niên, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.

Phát huy thế mạnh của một địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và chất lượng, tỉnh Lào Cai đã và đang nỗ lực chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, chuyển đổi số trong phát triển sản xuất sản phẩm nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị nhằm đưa sản phẩm OCOP vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi bền vững Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thu Hương

Tin Liên Quan

Đặc sản Lào Cai tại Lễ hội đền Thượng năm 2024

Lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, địa lý đã giúp Lào Cai sở hữu nhiều sản phẩm nông sản chất lượng, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Đến với Lễ hội đền Thượng năm 2024, du khách có cơ hội được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng do chính tay đồng bào các dân tộc Lào Cai tạo ra.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn từ OCOP

Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bát Xát chú trọng phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững

Trong 163 sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai thì huyện Bát Xát có 12 sản phẩm. Đến nay, 12/12 sản phẩm đã được giới thiệu lên Sàn Thương mại điện tử của tỉnh và trong nước.

Sản phẩm OCOP Lào Cai trưng bày tại Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023”

Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023” diễn ra từ ngày 21 đến 24/12, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh), do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, với sự tham gia của 42 tỉnh, thành phố trong cả nước, quy mô 700 gian hàng.

Lào Cai có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Tính đến hết năm 2023, tỉnh Lào Cai có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 13 sản phẩm 4 sao và 171 sản phẩm 3 sao.

HỘI CHỢ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT - TRUNG (LÀO CAI) LẦN THỨ 23, NĂM 2023: Mãn nhãn với sản phẩm OCOP của Lào Cai

Hàng chục sản phẩm OCOP từ các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai đang được giới thiệu, bán tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23, năm 2023 thu hút đông khách hàng tìm đến mua.